Quyền về thập đạo tướng quân
Là Lê Hoàn, ông lại cùng tư thông.
Với Dương thái Hậu một lòng.
Nên khi nhiếp chính, thường ông lộng quyền.
Thấy vậy Nguyễn Bặc, Đinh Điền.
Cử binh đánh, nhưng trận tiền đều vong.
Lê Hoàn dẹp họ vừa xong.
Lại bên Tàu, Tống sinh lòng gian tham.
Thấy Tiên Hoàng xuống suối vàng.
Tự quân ta nhỏ, chúng bàn với nhau.
Thừa thế dùng việc binh đao.
Lấy Đại Cồ Việt, nhập vào Bắc phương.
Chúng hội binh sát biên cương.
Lục, thủy đợi lệnh, hai đường sẽ sang.
Quân ta cấp báo Lê Hoàn
Đại quân nhà Tống sắp sang cõi bờ.
Lê Hoàn hành sự thay trời.
Ông cử Phạm Cự Lượng thời xuất quân.
Sắp khởi binh thế bừng bừng.
Cự Lượng nói với ba quân như vầy :
‘‘ Nay quân nghịch sắp vào đây.
Vua thì còn bé, lấy ai đâu mà.
Thưởng phạt cho bọn chúng ta.
Dẫu chúng mình gắng sức mà lập công.
Rồi thì ai biết, chi bằng.
Tôn thập đạo tướng quân lên trị vì.
Xong rồi hãy kéo quân đi !’’
Quân sĩ nghe vậy tức thì đồng thanh.
Hô vang vạn tuế rành rành.
Vân Nga thái hậu cũng nhanh tay mà.
Lấy áo Long Cổn đem ra.
Lê Hoàn được khoác, ông đà lên ngai.
Đinh Tuệ bị phế từ đây.
Nghiệp nhà Đinh đến lúc này dứt đi.
Về Lê Hoàn, sử có ghi.
Quê Thanh Liêm huyện, tỉnh thì Hồ Nam.
Thời Đinh ông giữ chức quan.
Thập đạo tướng quân, đường hoàng một tay.
Và khi ông đã lên ngai.
Xưng Đại Hành Hoàng Đế, hay gọi là :
Lê Đại Hành. Niên hiệu là :
Thiên Phúc, Hưng Thống, sau là Ứng thiên.
Vừa lên ngôi phải lo liền.
Bởi quân nhà Tống sát biên giới nhà.
Đại Hành cho sứ đi qua :
Nhà Tống, nói Đinh Tuệ đà xin phong.
Đại Hành khi đó cũng mong.
Tống hoãn binh lại, nhưng không ích gì !
Vua Tống không nghe, bác đi.
Sai sứ sang trách, xong thì buộc thêm.
Rằng : ‘‘ Nhà Đinh đã tập truyền.
Ba đời. Vậy thống soái quyền ở tay.
Đinh Tuệ phải nắm chức này.
Lê Hoàn phó, bằng không thay như vầy.
Nếu Đinh Tuệ quá thơ ngây.
Không làm được thì phải thay người này.
Bắt luôn cả mẹ nó ngay.
Giải sang Tống, rồi lúc này sẽ phong.
Chức to quyền lớn cho ông’’.
Đại Hành biết Tống, nên không theo lời.
Ngài sai quân phòng khắp nơi.
Tống thấy vậy, chia quân thời kéo qua.
Vào năm Tân Tị (981), tháng ba.
Đại quân nhà Tống chia ra hai đường.
Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng.
Dẫn lục quân, còn Lưu Trừng thủy quân.
Đại Hành thống lĩnh thủy quân.
Ra Bạch Đằng, đợi Lưu Trừng ở đây.
Khi Lưu Trừng đến nơi này.
Hai bên giáp chiến, thế gay vô cùng.
Đại Hành lệnh lui dần quân.
Do thủy quân Tống có phần mạnh hơn
.
Trên bờ, chúng vượt Lạng Sơn.
Tới Chi Lăng, giặc chẳng nhường một ai.
Đại Hành khi đó, cho sai.
Người trá hàng, dụ bọn này kéo đi.
Đến chỗ hiểm ta tức thì.
Bắt Hầu Nhân Bảo, giết đi tướng này.
Phục binh ta lại ra tay.
Chém quân nhà Tống, muôn thây ngập đồng.
Máu tuôn đỏ cả suối sông.
Bắt sống hai tướng lúc xông trận tiền.
Lưu Trừng hay ngược chiến thuyền.
Cùng thủy quân Tống, mạch liền chạy ngay
.
Quân ta đại thắng trận này.
Nhưng liệu thế khó chống dài, cự lâu.
Đại Hành sai sứ sang Tàu.
Trước trả hai tướng, còn sau xin thần.
Sẽ theo lệ cống hàng năm.
Vua Tống thuận rồi gác phần can qua.
Họ phong Đại Hành chức là :
Tiết Độ Sứ. Sau đó đà sắc phong.
Giao Chỉ Quận Vương, sau phong :
Nam Bình Vương, từ đó không tị hiềm.
Lịch sử lại có ghi thêm.
Là Sứ nhà Tống liền liền sang ta.
Đại Hành phụng chỉ, nhưng mà.
Không lạy. Nói dối là đau chân.
Vua Tống biết rõ mười phần.
Tuy nhiên bọn họ, dần dần lơ đi.