Thực chất bức thư năm 1958 của TTg Phạm Văn Đồng

Email In PDF.

 

Thực chất bức thư năm 1958
của TTg Phạm Văn Đồng



Ngày 4/9/1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). 
Sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi bức thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau: 


"Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.


Nhìn lại bối cảnh năm 1958, Việt Nam mới qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Đất nước còn nghèo, lại bị Mỹ chà đạp Hiệp định Genève 20-7-1954, dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm  để thực hiện âm mưu xây dựng chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam. Trước đó, ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến sát vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự ra tay bảo hộ chính quyền Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. 
Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra phương án tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự việc sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự can dự của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến với Trung Quốc . 
Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường việc nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng lý Chu Ân Lai và ngoại trưởng Nga Andrei Gromyko cùng đến Genève dự hội nghị

Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), "Công hàm 1958" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Trung Quốc lúc đó đang  "vừa là đồng chí vừa là anh em”. Thực chất chính phủ Hà Nội lúc đó nêu quan điểm ủng hộ tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc là muốn cho Hạm đội 7 của Mỹ tôn trọng vùng biển như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà không gây hấn trên vùng biển vịnh Bắc bộ, nhằm tránh sự xung đột, tranh chấp phức tạp để VN yên tâm bảo vệ nền hòa bình mới được lập lại trên miền Bắc và xây dựng cuộc sống mới.
Về vấn đề này, ngày 24-1-2008 phóng viên đài BBC (Tiếng Việt) đã phỏng vẫn Tiến sĩ Balazs Szalontai, một nhà nghiên cứu về châu Á đang sống ở Hungary. Theo Tiến sĩ Balazs Szalontai: Trong các năm 1955-1958, ban lãnh đạo Bắc Việt chưa đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước vì phải đối phó với khó khăn nội bộ và thiếu ủng hộ của quốc tế. Đồng minh chính của họ lúc này là Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, Hà Nội không thể hy vọng xác lập quyền kiểm soát đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong tương lai gần, và vì vậy họ không thể có sự bất đồng lớn với Trung Quốc về các hòn đảo. Lúc này, chính phủ Bắc Việt tìm cách có được giúp đỡ của Trung Quốc, và họ chỉ cố gắng tránh đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ những tuyên bố chủ quyền cụ thể của Trung Quốc hay ký vào một văn kiện bắt buộc mà sẽ công khai từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo này. Cái mà  Trung Quốc gọi là “công hàm” thực chất chỉ là một lá thư ngắn, mà ông Phạm Văn Đồng gửi cho cá nhân Thủ tướng Chu Ân Lai, gọi thân mật, hữu nghị là “Đồng chí Tổng lý”, hoàn toàn không phải là Tuyên bố của nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa..
Sang năm 1974, tình hình hoàn toàn khác. Việc thống nhất Việt Nam không còn là khả năng xa vời. Giả sử Trung Quốc không can thiệp, Hà Nội có thể dễ dàng lấy các đảo cùng với phần còn lại của miền Nam. Từ 1968 đến 1974, quan hệ Việt - Trung đã xuống rất thấp, trong khi Liên Xô tăng cường ủng hộ cho miền Bắc. Trong tình hình đó, quan điểm của Bắc Việt dĩ nhiên trở nên cứng cỏi hơn trước Trung Quốc so với thập niên 1950.
Vì những lý do tương tự, thái độ của Trung Quốc cũng trở nên cứng rắn hơn. Đến năm 1974, Bắc Kinh không còn hy vọng Hà Nội sẽ theo họ để chống Moscow. Thực sự vào cuối 1973 và đầu 1974, Liên Xô lại cảm thấy sự hòa hoãn Mỹ - Trung đã không đem lại kết quả như người ta nghĩ. Washington không từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan cũng không bỏ đi ý định tìm kiếm hòa hoãn với Liên Xô. Ngược lại, quan hệ Xô - Mỹ lại tiến triển tốt. Vì thế trong năm 1974, lãnh đạo Trung Quốc lại một lần nữa cảm thấy bị bao vây. Vì vậy họ muốn cải thiện vị trí chiến lược ở Đông Nam Á bằng hành động chiếm Hoàng Sa, và tăng cường ủng hộ cho Khmer Đỏ và du kích cộng sản ở Miến Điện. Nếu Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ thì suốt thập kỷ 60 họ đã đánh chiếm hai quần đảo này, không để cho quân đội VNCH chiếm giữ. Nhưng TQ đã không đả động gì. Năm 1973 Mỹ rút khỏi miền Nam VN, Trung quốc mới ra chiếm đảo Hoàng Sa vào ngày 19 -1-1974, nhưng cũng chưa dám đụng đến Trường Sa, có lẽ còn sợ Mỹ quay lại…

Có thể nói "Công hàm" 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao thân thiện thể hiện quan điểm ủng hộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trong bối cảnh vấn đề chủ quyền lãnh hải đang được tranh luận rất sôi nổi trên các diễn đàn quốc tế và trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan như đã đề cập ở trên. 
Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình bán đảo Đài Loan đang đứng trước nguy cơ bị tách rời, độc lập với lãnh thổ Trung Quốc , cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ phái tàu chiến đến can thiệp. Để đối phó với những động thái đang gây sức ép về quân sự và ngoại giao, Trung Quốc đã vội vã ra tuyên bố về lãnh hải trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. 
Trong tình thế này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa ra lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan, đe dọa Trung Quốc mà trực tiếp là Vịnh Bắc bộ của Việt Nam. Như chúng ta thấy nội dung "Công hàm 1958"(theo chúng tôi đây thực ra là một bức thư riêng  gửi đồng chí Tổng Lý  không viết theo văn phong của một "công hàm ngoại giao"--Note Verbale--mà chúng ta thường thấy) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã được thể hiện một cách thận trọng, đặc biệt là không hề có bao hàm nội dung tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như phía Trung Quốc bóp méo và xuyên tạc. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( và cả Chu Ân Lai lẫn bất cứ lãnh đạo một nhà nước nào khác) cũng thấu hiểu quyền tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ tòan vẹn, thống nhất lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu và cũng là trách nhiệm hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán từ thời kháng Pháp đến giai đoạn chống Mỹ sau này. Đây cũng là một nguyên tắc bất di bất dịch của mọi quốc gia độc lập, có chủ quyền trên thế giới.
Xin nhắc lại là "Công hàm" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như không có một dòng chữ nào thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc! Hơn thế nữa, đây mới chỉ là văn bản mang tính chất liên lạc thân tình giữa hai thủ tướng , chưa phải là văn bản pháp luật của một quốc gia để cường điệu như một số người cố tình hiểu sai theo luận điệu của bá quyền Trung Quốc. Đọc kỹ, chúng ta thấy "Công hàm" 1958 có hai nội dung rất rõ rệt: Một là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. 
Mặt khác, sở dĩ trong "Công hàm" 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. 
Nếu chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao đi nữa thì cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng “Công hàm 1958” đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực. 
Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, đại diện cho Việt Nam là ông Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Nói khác đi điều này có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi tiếp quản sau chiến thắng 30/4/1975 cho đến ngày nay, Việt Nam  tiếp tục gìn giữ chủ quyền không thể chối cãi với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Như đã nói ở trên, năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia. 
Trong khi đó, ở miền Nam Chính quyền Việt Nam Cộng hòa được Mỹ bảo trợ, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi các quyền chủ quyền thực tế trên hai quần đảo.  Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, Trung Quốc vẫn nghiễm nhiên công nhận việc bảo vệ chủ quyền của lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa, mà không có ý kiến gì. Lý do dễ hiểu là TQ rất ngán Mỹ thọc tay vào vấn đề này, phần khác là TQ cũng tự thấy không đủ căn cứ pháp lý để tranh giành chủ quyền với chính quyền miền Nam. Thỏa hiệp với chính quyền Nixon để bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ vào năm 1972 TQ không còn ai để phải sợ, xoay sang “bắt nạt” Việt Nam để tranh giành chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân Việt Nam Cộng hòa chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974


Một bức thư mà Trung Quốc gọi là "công hàm"(chứ không phải là hiệp định được quốc hội mỗi nước phê chuẩn)  thời bấy giờ vỏn vẹn chỉ có 127 chữ, thế mà gần đây Trung Quốc luôn lấy ra rêu rao cái gọi là VN đã thừa nhận chủ quyền "không thể tranh cãi" của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể nói, giải thích xuyên tạc "Công hàm 1958" là một trong chuỗi  hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tóm lại việc Trung Quốc diễn giải nội dung "Công hàm" ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức chủ quan và thể hiện rõ dã tâm xâm lấn Biển Đông, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời, không thể xem là văn bản pháp lý để đưa ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 
Sắp tới, ban hành Luật Biển Việt Nam theo biểu quyết thông qua của 99,2% số phiếu tán thành tại Kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIII), ngày 21/6 mới là văn bản pháp lý chính thức của nước Việt nam về chủ quyền biển-đảo. Luật Biển của VN lần này sẽ thực sự chấm dứt mối nghi ngờ và đưa ra lắm ý kiến nhũng nhiễu về "công hàm" chỉ có tính chất liên hệ giữa hai người "đồng chí" thời bấy giờ, phù hợp với ứng phó tình huống thời cuộc vô cùng tế nhị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958. 
Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu. Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về quản lý của chính phủ ở miền Nam. Nên nhớ rằng các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 
Nói tóm lại, Luật Biển mà Việt Nam sắp ban hành để thực thi cũng dựa trên những giá trị các chứng cứ lịch sử đó và hoàn toàn phù hợp với Công pháp Quốc tế về Luật biển năm 1982 và chủ trương nhất quán của nhà nước VN, không có gì để chỉ trích gay gắt như người phát ngôn Bộ Ngoại Giao TQ lớn tiếng trong buổi họp báo hôm qua.

Bùi Văn Bồng
              6/2012

 

Theo: Điểm Tin & Tư Liệu(Người Lót Gạch)

 
BẠN ĐANG XEM TRANG CHỦ BÀI VIẾT KHÁC Lề Giao Thông Thực chất bức thư năm 1958 của TTg Phạm Văn Đồng