1. VÀI CÂU “ NHỨT NGÔN HƯNG QUỐC, NHỨT NGÔN TÁNG QUỐC”
2. ĐỨC ÁI QUỐC LÀ GÌ?
3. KHÁI NIỆM VỀ QUỐC GIA
4. KHÁI NIỆM VỀ QUÊ HƯƠNG
5. HÌNH THỨC ÁI QUỐC
6. LUYỆN ĐỨC ÁI QUỐC
1. VÀI CÂU “ NHỨT NGÔN HƯNG QUỐC, NHỨT NGÔN TÁNG QUỐC”
Đọc sử Việt ta thấy ông cha ta đã xây đắp mảnh sơn hà gấm vóc Việt Nam bằng sông máu núi xương. Bị nhiều phen nô lệ, ta còn khoảng cách xa với các liệt quốc hùng cường nhưng Việt Nam về mặt tranh đấu là một dân tộc kiêu hùng. Những trang sử vẻ vang làm bằng chứng hùng biện nói lên óc chuộng tự do, tinh thần bất khuất, chí tiến thủ, lòng ái quốc của con cháu Tiên Rồng. Ta chỉ thử coi lại vài gương anh dũng của đời Trần để nung ngọn lửa mến yêu nòi giống.
a) Lần thứ nhứt quân Mông Cổ dữ như lang sói, mạnh như vũ bão tấn công ồ ạt Việt Nam, chiếm Thăng Long thành. Thấy ba sứ thần của mình bị trói giam, quân Mông Cổ hầm hầm như ác thú chặt đầu sạch nam phụ lão ấu của thành. Trần triều hay tin lo âu như mất hồn. Trần Thái Công hỏi Trần Nhựt Hiệu, bấy giờ làm Thái úy, liệu thế nào. Ông này cầm sào viết lên mặt nước: “Nhập Tống” ngụ ý khuyên vua bỏ nước đào tẩu. Trần Thái Công tham vấn ý kiến Thái sư Trần Thủ Độ, vị lão thần ngoài lục tuần kiên quyết gằn từng tiếng: “ Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”
b) Mặt trận Lạng Sơn đã thất, Hưng Đạo Vương rút quân về Bái Tân để tiến ra Vạn Kiếp. Trần Nhân Tông thấy thế giặc ác tựa cuồng hổ, dân chúng chết như kiến bị thui, khuyên Hưng Đạo Vương nên đầu hàng. Là một danh tướng đầy bản lĩnh, đã từng vào ra trận mạc hơn cơm bữa, uy dũng nói: “ Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi trước đã”
c) Thất trận Tha Mạc, Trần Bình Trọng bị quân giặc vây bắt nhốt tù. Ông là danh tướng cương nghị, nhứt quyết giữ vững tiết tháo. Trong đề lao, ông tuyệt thực. Thoát Hoan muốn lợi dụng binh tài của ông, dụ dỗ ông và hỏi ông có muốn làm vương đất Bắc không? Lời nói như gươm đao phóng vào mặt Thoát Hoan, ông hét: “ Tao thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”
Đọc mấy lời đanh thép trên ai là người Việt mà không thấy lòng lâng lâng yêu nước và trọng phục nghĩa khí của những vị tuấn kiệt nước nhà.
Để có tâm hồn yêu mến non sông, theo vết những tiền bối anh dũng, dưới đây ta sẽ xét thế nào là Ái Quốc, Quốc Gia là gì, Quê Hương là gì? Và sau khi tìm hiểu những hình thức ái quốc, ta bàn bí quyết luyện đức cao cả này.
2. ĐỨC ÁI QUỐC LÀ GÌ?
Ái quốc là đức luân lý giúp ta có tâm tình yêu mến tổ quốc cách thiết tha, lúc nào cũng nổ lực phụng sự cho thới thạnh vinh quang ở thời bình và lo bảo vệ nó buổi binh đao.
I)Ái quốc là nhân đức. Tổ quốc được coi như người mẹ và các công dân là con cái. Nếu tâm tình yêu mến, kính phục, giúp đỡ cha mẹ gọi là đức hiếu thảo thì tâm tình yêu mến, kính phục, giúp đỡ Tổ quốc cũng được gọi y như vậy. Tuy Tổ quốc không sản sinh chúng ta như cha mẹ nhưng biết bao nhiêu tài sản vật chất, tinh thần ta có đều do Tổ quốc.
II)Tâm tình yêu tổ quốc. Yêu tổ quốc tuy có căn cứ vào lý trí nhưng theo thực tế phải chịu là việc của tình cảm. Thứ tâm tình này trong sạch cao cả, quý báu như tình con đối với cha mẹ, như bạn tốt đối với tri âm của mình. Người ta vẫn cảm nó cách sâu xa mà khó định nghĩa hay diễn lộ nó. Foulquié khi viết về tinh thần ái quốc có trưng danh ngôn này của Montaigne nói về La Boétie để vạch tính cách huyền bí của lòng yêu quê hương: “Bởi vì anh là anh mà tôi là tôi”. Quả thực khó trả lời khi ai hỏi ta tại sao ta trìu mến quê cha đất tổ. Nói lý thì cũng có, ví như nhờ nó mà ta sống, trên nó ta có nhiều kỉ niệm vân vân. Nhưng có một cái gì siêu mầu mà ta khó diễn tả ra chu tất. Cái gì đó thuộc bản chất người của ta. Ta là người Việt Nam cũng như ta là con người, ta có thể nhập tịch ở một quốc gia khác, làm công dân một nước khác, nhưng không vì đó mà ta thôi là người Việt Nam, và cũng vì đó mà ta trìu mến quê hương Việt Nam. Tâm tình trìu mến này được yểm trợ bởi những tâm tình hoặc hãnh diện hoặc đau khổ khi ta nghĩ đến những trang sử vẻ vang hay những trang sử nô lệ của non sông ta.
III)Nổ lực phụng sự tổ quốc. Yêu tổ quốc không có nghĩa là chỉ nói yêu ngoài miệng hay chỉ có những tâm tình thích mến thuần túy. Quan trọng là phụng sự. Phải nổ lực thực hiện những bổn phận thường nhựt mà địa vị mình bắt buộc cho bằng được, như thế có nghĩa là ta chân thành yêu nước. Lúc thanh bình, ta lo cho tổ quốc thới thạnh bằng các việc kiến quốc. Khi sơn hà nguy biến, nghĩa vụ cứu quốc là nghĩa vụ của toàn dân. Nói đến ái quốc hay yêu quê hương thường người ta có những tâm tình quyến luyến hơi giống nhau. Tuy nhiên có vài tiểu dị ta cần chú ý. Cho đặng nhận thấy dễ dàng những tiểu dị này ta thử tìm hiểu hai khái niệm quốc gia và quê hương
3. KHÁI NIỆM VỀ QUỐC GIA
Có hai yếu tố cấu thành cái mà người ta gọi là quốc gia: Yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần
1)Yếu tố vật chất. Hiểu là lãnh thổ và chủng tộc hay nói đúng hơn là dân tộc. Cho đặng thành lập quốc gia, người ta phải có một địa dư độc lập để cư trú, làm ăn. Trên địa dư ấy những người phải có chung một nguồn nòi giống. Nhưng trên tràng kỳ lịch sử, loài người vì cuộc trà trộn hoặc do giặc giã, do di cư cầu thực…những chủng tộc không còn tính chất thuần túy. Thực tế là ta thấy trong một quốc gia ngày nay có nhiều chủng tộc lai căn làm nên cái người ta gọi là dân tộc. Trong yếu tố vật chất, điều kiện sau chót nầy không phải là điều kiện hoàn toàn tất yếu. Tuy nhiên về vật chất, mỗi dân tộc có những bản sắc đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những yếu tố tinh thần mà chúng ta xét dưới đây:
2)Yếu tố tinh thần. Ernest Renan khi bàn về quốc gia, hạ bút: “Một quốc gia là linh hồn, một nguyên tắc thiêng liêng. Nói cho đúng có hai điều hợp nhứt cấu thành linh hồn và nguyên tắc thiêng liêng này, một ở trong dĩ vãng, một ở trong tương lai. Cái này có chung di sản kỷ niệm phong phú. Cái kia là sự ưng thuận hiện thời, sự ước muốn sống chung, ý chí tiếp tục đề cao giá trị gia tài mà người ta có chung” ( Diễn văn E. Renan đọc ở Sorbonne ngày 11-3-1882). Các tư tưởng này rất chí lý. Quốc gia cấu thành bởi những yếu tố tinh thần quan trọng là một dĩ vãng chung đầy kỷ niệm, một tâm chí hiện tại luôn muốn tiến thủ và một nguồn hy vọng bao la hướng về tương lai.
a) Dĩ vãng đầy kỷ niệm. Nó gồm cả một thời qua khi nhục nhã, hiển vinh, khi hoan lạc, đau khổ và nhứt là vết hy sinh cứu quốc và kiến quốc của ông cha. Điều đáng để ý nữa là cái tinh thần về tôn giáo, phong tục hoặc về văn hóa, ngôn ngữ… mà ông cha để lại
b) Tâm chí tiến thủ. Những người thừa hưởng di sản quý giá ấy phải tiếp tục làm cho nó ngày một phong phú, tốt đẹp hơn.
c)Hy vọng ở tương lai. Toàn dân nhứt trí cộng lực xây đắp nền thống nhứt, dồi mài óc tự do dân tộc để trên bản đồ quốc tế, quốc gia luôn được vinh quang4. KHÁI NIỆM VỀ QUÊ HƯƠNG.
Tiếng Pháp có từ ngữ Patrie phát xuất bởi từ ngữ Patrius của La-văn. Patrius có nghĩa là thuộc về người cha. Ta dịch Patrie là quê hương, quê cha đất tổ hay nơi chôn nhau cắt rốn. Quê hương cũng cấu thành bởi hai yếu tố vật chất và tinh thần như quốc gia. Nhưng trong khái niệm quê hương, người ta hay nghĩ đến gia đình, đến một miền xứ nhứt định mà nơi đó người ta đã được sinh ra, trưởng thành với bao kỷ niệm êm đềm. Nơi quê hương, người ta có những tình cảm yêu mến thấm thía, siêu thiêng. Người ta nghĩ đến công ơn của tiền nhân, mồ mả ông bà, cha mẹ. Mất quê hương người ta đau xót tận tâm hồn, tuyệt vọng như mất cha mẹ. Vậy căn cứ vào những nhận xét trên, ta có thể thấy được vài tiểu dị giữa lòng ái quốc và lòng mến quê hương.
Trong tình yêu quê hương nặng về tình cảm, chú trọng đến các kỷ niệm gợi niềm lưu luyến, nhắm đức hy sinh bảo tồn nơi chôn nhau cắt rốn. Khi quê hương bị mất người ta thấy không lãnh thổ nào thế lại được. Người ta đau xót, nổ lực tranh giành lại cho kỳ được quê cha đã mất. Còn ái quốc nặng về đường tinh thần nghĩa là nó thúc đẩy người ta quyết giữ bản đồ quốc gia như tiền nhân để lại, làm cho dân chúng có đời sống ấm no dưới chế độ chính trị lý tưởng nào đó.
Tuy có những tiểu dị căn cứ vào tâm lý này, ta đừng quên hai quan niệm ái quốc và yêu quê hương bổ túc nhau. Trong bài này, ta gọi chung cả hai là đức ái quốc. Đức này vừa dựa trên tinh thần vừa dựa trên tình cảm làm cho ta yêu mến non sông sâu sắc bằng cách lo phát triển cho nó về mặt vật chất, tinh thần và tâm đức
5. HÌNH THỨC ÁI QUỐC.
Ái quốc có nhiều hình thức, ta cần nhận chân để khỏi té vào lối yêu nước sai lầm.
a) Ái quốc môi mép. Người ái quốc môi mép hay bàn phiếm về chánh trị, ưa đả kích, chống đối này nọ, tuyên bố ghét ngoại xâm. Nhưng tất cả điều họ nói là lý thuyết, có khi do tật già hàm trống trải hơn là do tâm hồn yêu mến nước nhà cách chân thật
b) Ái quốc mưu sinh. Người ái quốc mưu sinh là người coi việc Làm Cha Mẹ Dân như một nghề mưu sinh cho mình và nuôi vợ con. Họ cũng lo cho quốc gia vậy, nhưng họ lo cho quyền lợi cá nhân và gia đình họ hơn. Nếu như giông mưa, bão tố, người ta khó tìm thấy mặt trời như thế nào thì khi sơn hà nguy biến, quốc dân khó tin tưởng nơi họ như thế ấy. Họ cũng bàn chánh nghĩa, cũng hô hào quyền lợi dân tộc nhưng khi có cơ hội bán nước cầu vinh thì họ không ngần ngại làm con trung hiếu của thứ người như Lê Chiêu Thống.
c) Ái quốc bài ngoại. Đây có phải là thứ người yêu dân tộc sâu sắc không? Không biết! Nhưng tự nhiên họ ghét ngoại nhân và tất cả những gì của ngoại quốc. Họ có tinh thần dân tộc mù quáng, thích bế quan tỏa cảng, như thế họ vô tình họ làm cho dân tộc lạc hậu. Ngoại xâm thì nhứt định phải thù oán rồi nhưng những gì hay đẹp về tôn giáo, văn hóa, phong tục của nước ngoài ta phải nhận và phải thâu thái để nước nhà ngày một vẻ vang với các quốc gia khác chớ
d) Ái quốc tình cảm. Thứ ái quốc này căn cứ vào tình yêu quê hương mà không để ý đến sự phát triển của nó. Người ái quốc theo tình cảm chỉ yêu dân tộc bằng mối tình thuần túy. Họ không sáng suốt thấy những đòi hỏi cần thiết của nước nhà để lao mình vào các phận sự ích nước lợi dân. Thứ ái quốc này là họ hàng với ái quốc môi mép. Cả hai đều vô ích cho xứ sở
e)Ái quốc chân chính. Tình ái quốc chân chính là một nhân đức. Nó căn cứ trên lòng hiếu thảo đối với ông cha và dựa vào đức ái quốc đối với đồng bào. Đức ái quốc làm cho tâm hồn cao cả vì nó không khiến người dân coi ái quốc là mục đích tối hậu của đời sống mà coi là phương thế để hướng đồng bào đi từ hiện phúc trần gian đến vĩnh phúc sau giờ chết. Dĩ nhiên đức ái quốc đánh tan được gốc rễ lòng ích kỷ chật hẹp hay buộc trói con người trong quyền lợi bản thân, gia đình. Họ đưa con người khỏi biển hy sinh. Thời bình, người ái quốc lo cho sự tiến bộ của dân tộc, tránh theo những “tà thuyết” gieo rắc đói rách trong quần chúng . Thời loạn, họ bảo vệ quốc dân khỏi nanh vuốt ngoại xâm, sẵn sàng vì tổ quốc.
Khi thể hiện tinh thần hy sinh, người ái quốc một mặt lo cho nước nhà giàu có, dân chúng ấm no, có binh hùng tướng mạnh, mặt khác lo bảo tồn tinh thần dân tộc, phát triển di sản tinh thần của ông cha, cho du nhập từ nước khác những tinh hoa của nền văn hóa nhân loại. Làm công việc này, người ái quốc vừa đề cao nhân cách của mình, vừa tỏ lòng tri ân các bực tiền bối cũng như làm xong bổn phận mình đối với đồng bào sống với mình.
6. LUYỆN ĐỨC ÁI QUỐC
Chúng ta đã biết, ái quốc không phải là tình cảm thuần túy. Nó cần những việc làm hữu ích cho vận mệnh quốc gia và quyền lợi quốc dân. Vậy, muốn trở thành người ái quốc chân chính phải có óc hy sinh. Khi sơn hà cần đến, ta phải biết coi rẻ tư lợi mà lo cho quyền lợi tổ quốc.
Thân phụ của Pasteur về chiều ưa đọc lịch sử nước Pháp để thưởng thức những gương anh dũng của dân tộc ông. Người Việt nên noi gương luyện lòng ái quốc của ông: Là năng đọc sách lịch sử nước nhà. Trong đó ta gặp biết bao bài học có thể gia tăng nơi ta lòng yêu đất nước.
Sau hết, yêu nước cách thực tế nhứt là lo làm những công dân tốt, những công dân chu toàn các bổn phận hàng ngày. Làm công dân tốt chẳng những là người biết thượng tôn pháp luật mà còn tự biết đào luyện về thể xác, tinh thần, tâm đức, xã giao...
Riêng ở thời này, mấy tiếng tự do dân chủ quá phổ thông, nhưng óc tự do và óc dân chủ chân chính còn hi hữu. Người tự do nhứt, dân chủ nhứt là người trước hết làm chủ lấy mình, tức là điều khiển các tình dục của mình để hướng chúng về Chân- Thiện- Mỹ- Phúc. Còn chu toàn các bổn phận phải hiểu là ái quốc thực tế. Chúng tôi muốn nói tình ái quốc thì có lẽ công dân nào cũng có nhưng lo cho nước nhà khỏi những “tà thuyết”, khỏi nô lệ tinh thần, vật chất với ngoại bang thì không phải công dân nào cũng lo đâu. Câu “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” rất có ý nghĩa trong việc phụng sự quốc gia. Người ta lơ là với thân phận nước nhà hơn là giải cứu nó. Vậy điều cần thiết cấp bách lúc này là từ cấp lãnh đạo cho tới hàng lê thứ phải “CHÍNH DANH” tức là phải làm chu toàn trách vụ mà địa vị mình đòi buộc. Có vậy, non sông mới tiến bộ cách hữu hiệu được.
GS HOÀNG XUÂN VIỆT