GIỚI THIỆU THÊM VỀ TRIẾT HỌC

TRIẾT GIA JASPERS

Email In PDF.

Yêu sự khôn ngoan, như là một phần của triết học. Chính nhờ triết học mới mở rộng đường cho tư tưởng.

Tholichsu.com xin giới thiệu thêm về JASPERS, ông là triết gia tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện sinh.

Có thể nói, ngoài Soren Kierkegaard, Friedrich, Nietzsche, Heidegger...Jaspers giúp chúng ta có cách thức suy tư mới mẻ và hình như con đường nhận thức về vũ trụ huyền bí lại mở rộng hơn ra. ( Bản dịch của GS Lê Tôn Nghiêm).

 

Triết lý của Jaspers_một trong những khuynh hướng cơ bản của triết học hiện sinh – và riêng bản dịch  này cũng đáng được liệt vào số những thể thức suy tư minh bạch, có hệ thống vĩ đại của những thế kỷ đi trước. Hơn nữa lối suy tư này còn vượt xa hẳn truyền thống cũ ở chổ chúng đã dám mạo hiểm vào những miền sâu, bí ẩn chưa từng khai thác. Với một biện chứng sâu sắc, tinh vi, chúng đã đi vòng theo những uẩn khúc quanh co của hiện sinh để mô tả những gì hầu như không mô tả nổi.  Nên lối lập luận ở đây đã trở nên quá phức tạp, chi ly!               

Ngoài những giá trị suy tư vừa nói, triết lý của Jaspers lắm khi thể hiện ra như một bài học hay kinh nghiệm đạo đức cao siêu và phóng khoáng. Vì với mỗi trình bày hay miêu tả về một khía cạnh nào về hiện sinh, tác giả cũng đồng thời nêu lên một hình ảnh đạo đức để khích lệ chúng ta vươn lên những khuynh hướng siêu việt thâm sâu, Nhưng phải nói ngay rằng: đây không phải một thứ đạo đức ngoại tại, phiến diện hay tổng quát mà là một thứ đạo đức xuyên tới. Có thể nói đây là"đạo tại tâm"              

Tóm lại, ở đây người đọc vừa học triết lý lại vừa sống triết lý mình học. Thực vậy, mỗi lần đọc lại những trang"Triết học nhập môn" là một lần trí khôn và tâm hồn như được tắm lại trong một sức sống và suy tư mới.               

 Những giá trị trên, Jaspers đã múc được ở Nguồn suối và Hiện sinh. Vì thế ông đã được xem là một triết gia Hiện sinh sâu sắc và quân bình nhất. Vậy muốn hiểu ông một cách thấu đáo, ta cần ôn lại một ít điểm then chốt trong triết học của ông và đồng thời giảng nghĩa những ý tưởng đã được ông khai triển trong "triết học nhập môn".               

Nhưng trước hết xin nói qua về thân thế và những sáng tác của ông:

Karl Jaspers sanh ngày 23 tháng 12 năm 1883 tại Oldenborg, nước Đức; ông đã học luật khoa tại Heidelberg và Muxnchen từ 1901- 1902. Rồi ông lại theo y khoa tại Berlin, Goxttingen avf Heridelberg từ 1902-1907. Ở đây ông đã trình luận án tiến sĩ với đề tài: Heimweh und Verberchen ( Nostalgie et Criminalite ) vào năm 1909. Sau đó, ông đã được đề cử làm phụ khảo Y khoa, ngành Tâm trị học ở Heidelberg. Năm 1913, ông được thăng chức giảng nghiệm viên về môn tâm lý học.               

Nhưng sau chính con đường Y khoa và Tâm lý học đã dẫn đà để ông khám phá những u uẩn trong cuộc sống của con người, nên năm 1916, ông đã được mời làm Giáo sư ngoại lệ, rồi Giáo sư thực thụ về Triết học tại Heidenberg đúng năm 1921.Nhưng vào năm 1937, vì lý do chánh trị, ông đã bị phong trào Đức quốc xã huyền chức. Trong thời ấy ông đã không được phép xuất bản gì cả. Mãi tới năm 1945 ông mới được tại chức và năm 1946 ông được tặng chức "Kỳ lão danh dự" ( Ehrensenator ) ở Đại học Heidelberg.               

Theo tiểu sử trên, ta thấy trước hết Jaspers không phải là một triết gia mà là một nhà Tâm trị học. Quyển Allgemeine Psychopathologie: Tâm trị học tổng quát ( x.b năm 1913 ) là một yếu luận quan trọng mà ngày nay  vẫn được coi là một căn bản trong vấn đề. Tiếp đến quyển Psychologie der Weltanschauungen: Tâm lý học về những Vũ trụ quan ( x.b năm 1919 ) . Quyển này chiếm một địa vị rất quan trọng trong việc hình thành tư tưởng triết lý hiện sinh của ông. Ở đây đã thấy rõ ảnh hưởng của tư tưởng Kierkegaard lên tư tưởng của ông nên không lạ gì khi đọc ông người ta có cảm tưởng như đọc một bài chú giải sâu sắc về triết  của Kierkegaard.               

Ngoài Kierkegaard, còn nhiều triết gia khác đã ảnh hưởng không ít trên sự hình thành và phát triển tư tưởng của Jaspers, ví dụ Plotin, Kant, Fichte, Schelling hay Nicolas de Cuse, Giordano Bruno và Spinoza ..v.v..Hầu hết các triết gia được coi thiên về khuynh hướng Phiếm thần ( Pantheisme ) và Huyền niệm ( Mystique ).               

Hơn nữa, Jaspers còn đối chiếu tư tưởng của ông với tư tưởng của Nietzche và của Descartes. Theo ông, Nietzsche là một Hiện sinh ngoại lệ ( Ausanhme ) như Kierkegaard và cũng là một “khích lệ mở đầu” cho triết lý hiện sinh. Với Descretes, Jaspers nhận thấy ông này đã khám phá ra được những chân lý tuyệt vời khi ông “ hoài nghi” và “ suy tưởng”, nhưng vì Descartes, đã không trung thành với chính “ nguồn suối” ấy thành ra những chân lý kia bị gỳm ngịp đi trong thái đội võ đoán chật hẹp.               

Tóm lại, Jaspers đã khéo tổng hợp được những khuynh hướng triết lý rất khác nhau ấy để tiến dần về hướng triết học hiện sinh. Nên năm 1932 ông đã cho xuất bản bộ sách lớn gồm 3 quyển nhan đề PHILOSOPHIE. Bộ sách vĩ đại PAHIR được coi là trọng tâm tư tưởng của ông, vì ở đây những lập trường căn bản về hiện sinh và  những vấn đề liên quan đến truyền thống triết lý Hy Lạp và Tây phương đã được hoạch định cả. Nghĩa là 15 năm sau khi biên soạn quyển Von der Wahreit ( bản về sự thực ) và bộ Philosophische Logik ( Luận lý triết học ), ông vẫn còn trung thành với những lập trường của bộ Triết học đó.               

Ngoài ra còn phải kể đến một số sáng tác nhỏ hơn xem ra hơi xa với viễn tượng Hiện sinh, nhưng thực sự cũng giúp hiểu những chi tiết phụ thuộc của những viễn tượng ấy, ví dụ quyển Die geistie Situation der Zeit ( Hiện trạng tinh thần thời đại ) và quyển Vom Ursprung und Ziel der Geschichte ( Nguồn gốc và Ý hướng Lịch sử). Riêng quyển sau đã được trình bày thêm một phần ngắn gọn trong bài viết này

 Từ đó trở đi, ông còn khai triển thêm tư tưởng của ông nhập vào những tập nhỏ, phần lớn gồm những bài văn sưu tập lại như:Verunf und Exitenz ( Lý tính và Hiện sinh ); Existenzphilosophie ( Triết lý Hiện sinh ); Derphilosophische Glaube ( Niềm tin triết lý ) và Einfiihrung in die Philosophie "Triết học nhập môn" của chúng ta đây.Với từng ấy sáng tác, sự nghiệp tư tưởng của Jaspers quả đã là một công trình lớn lao quan trọng.               

Bây giờ chúng ta hãy đi vào công việc phân tích tư tưởng của ông. Để tóm tắt có thể nói toàn bộ sáng tác của Jaspers được đúc kết trong ý tưởng then chốt sau đây:“ Thoạt kỳ thủy có Hữu”

Câu trên xem ra có thể mâu thuẫn với những điều vừa trình bày sơ lược và có lẽ còn gây thắc mắc trong những ai đã quen thuộc với viễn tưởng hiện sinh của Jaspers từ trước tới nay, nhất là khi viễn tưởng ấy lại thường được hiểu qua những ý tưởng như: sống trong tùy cảnh, tự do, bi đát, thất bại, ưu tư, sử tính, tha nhân v.v..               

Nhưng căn cứ trên những sáng tác sau này của ông, nhất là quyển "Về sự thật chúng ta sẽ thấy cùng triết lý hiện sinh" của Jaspers cũng không xa lạ gì lắm với truyền thống “ Triết lý vĩnh cửu” (Philosophia perennis) mà ông thường nhắc đi nhắc lại. Trong Triết học nhập môn, ví dụ, ông viết “Như thế đã rõ, dưới hình thức một vài tư tưởng đơn giản và hấp dẫn, triết lý xuất hiện với bất kỳ ai kể cả con nít. Tuy nhiên, việc suy diễn triết học đòi hỏi phải cố gắng liên lỉ, và phải bắt đầu lại luôn mãi mới hy vọng đạt tới được hình thức một hệ thống hợp thời…

Hay: “ Ngoại trừ kinh nghiệm Huyền niệm, là kinh nghiệm bất khả diễn tả, còn mỗi khi muốn đạt được mục đích nói trên ( là vượt mọi hình thức khách thể để nhìn sự Hữu tự tại), ta không được ly khai với cuộc đời. Trái lại, phải ở trong trần gian, tức là phải sử dụng lối biết khách quan, vì chỉ ở đó, ý thức chúng ta mới sáng sủa. Vì chỉ nhờ sự khúc chiết, tri thức ấy mới cảm nghiệm được những giá trị của mình”.

                Như thế cũng đủ hé thấy rằng: tuy triết lý Jaspers thiết yếu có tính cách hiện sinh, nhưng đồng thời cũng có tính cách suy lý. Thực vậy, từ năm 1935 trở đi  Jaspers đã minh định rõ lập trường này, nghĩa là theo đúng con đường của Kierkegaard và Nietzsche “ những con người ngoại lệ” là hiện sinh chỉ là hiện sinh độc đáo, riêng tư, cô đơn, bí nhiệm, nên bất khả diễn tả bất cứ bằng ngôn ngữ hay luận ý nào. Cùng lắm chỉ trình bày hiện sinh bằng “ký sự tự thuật” hay bằng những "cách ngôn" ( Aphorismes ) ghi lại theo từng biến cố của cuộc đời.

                Nên theo Jaspers, hiện sinh ngoại lệ chỉ có nhiệm vụ “khích lệ khởi đầu”. Còn nhiệm vụ của những triết gia truyền thống Hy lạp là phải trình bày hiện sinh một cách mạch lạc và hệ thống. Như vậy, mặc nhiên phải công nhận một lối Luận lý nào đó. Vì thế ông đã viết: “Không phải những con người ngoại lệ, nhưng chúng ta phải triết lý  với con  mắt ngắm nhìn ngoại lệ”. Qua câu nói ấy, rõ ràng ông đã chú ý hoạch định hai nhiệm vụ cho một triết gia thời nay. Một là phải căn cứ  trên Hiện sinh mà suy tư cho sâu xa, thâm trầm và linh động, chứ không được căn cứ trên lý trí như trước nữa. Hai là phải suy tư cho có mạch lạc. Nhưng vì Hiện sinh là một đối tượng phức tạp, u uẩn nên thiết yếu phải có một thứ luận lý tương xứng đi kèm.

                Vì vậy, tuy triết lý hiện sinh thường đối lập và phủ nhận hệ thống nhưng kỳ cùng nó cũng vẫn yêu sách một thứ hệ thống, tuy được gọi bằng một danh từ hơi khác là “ Systematik”.

                Nói tóm, chủ đích của Jaspers là muốn phối hợp Lý trí và Hiện sinh. Nên nhiều học giả gọi đó là một cuộc phối hợp Nước với Lửa 

                Vì vậy, ngay ở đây đã có thể nói rằng: Triết lý của Jaspers đi quanh một con đường khác, khá dài dòng để rồi sau cùng lại  trở về với truyền thống cố hữu của Hi lạp, trong đó mọi thế hệ khác nhau nhưng cùng theo đuổi một chủ đích duy nhất là tìm sự Hữu ( le probleme de I’etre ). Và song song với vấn đề sự Hữu còn phải tìm sự Thực. Như thế đã  rõ, bằng trăm ngàn nẻo, mọi hệ thống triết học lại quay về với  Parmenide, người đầu tiên đã học được con đường Chân lý vương giả( le chemin de I’Aletheia ).

                Tóm lại, vấn đề Hữu và Thực hay Thực và Hữu  đã là và mãi mãi còn là vấn đề muôn thuở cho khuynh hướng triết lý Hi Lạp và Tây phương.

                Qua lối trình bày về Hữu và những cách thái hữu theo bao dung thể của Jaspers ta sẽ nhận chân ra điều đó. Nhưng trong bày viết này chúng tôi chỉ có thể trình bày những cách thái Thực đi song song với những cách thái Hữu

                Trong bộ triết học, Jaspers đã trình bày 3 bình diện hữu thành 3 quyển  khác nhau là: Hữu thường nghiệm hay Hữu vật ( Objektsein ) rồi đến Hữu tôi hay Hữu hiện sinh ( Ichsein ) sau cùng là Hữu Tự Tại ( An-sich-sein ) được coi như cứ điểm cho mọi hữu quy về.               

Phân sáp toàn sự hữu thành những bình diện khác nhau như vậy Jaspers đã dụng ý chống lại những khuynh hướng Hữu thể học (Ontologies) xưa, vì những khuynh hướng này đã muốn giản lược vạn sự hữu đa tạp và duy có một loại sự hữu nào đó, như ông viết trong Triết học nhập môn rằng:“Vấn đề đầu tiên của triết học là vấn đề: Sự hữu nói chung là gì? Thoạt tiên ta thấy muôn vàn sự vật: những sự vật trong thế giới hữu hình, những hình ảnh vô tri, những sinh vật sống động, cả một thế giới gồm những gì hiện qua rồi biến mất… Trước vấn đề này, các triết gia đã nêu ra nhiều giải pháp khác nhau. Câu trả lời cổ nhất là câu của nhà triết học Thales: Tất cả là nước, tất cả đều do nước..

Tóm lại, để trả lời câu hỏi: sự hữu theo tính cách hữu là gì ? mỗi thuyết trên đều cho lấy một sự hữu đặc thù nào đó hiện có trong trần gian, rồi coi nó là nguồn suối cho vạn sự hữu khác

                Như thế, theo Jaspers, các học thuyết hữu thể học cũ đã chỉ công nhận cho vạn sự hữu có một hình thái hữu và do đó họ cũng chỉ công nhận duy có một cách thái biết hữu. Lối đó thường được gọi là biết bằng Trùng hợp  hay đúng hơn, bằng sự phân ly chủ thể - khách thể

                Nhưng Jaspers cho rằng những chủ trướng ấy đã lầm và ông hỏi :“Vậy lầm ở chổ nào? Tất cả họ đã lầm ở điểm này là họ đã biến sự hữu thành một sự hữu ở ngoài tôi, một đối tượng khách thể đứng đối diện với chủ thể của tôi”. Theo những nhận xét trên, Jaspers đã chống đối việc giản lược hữu và giản lược thực. Vậy như ông quan niệm, vạn sự hữu phải được phân sáp ra làm nhiều mảnh, ít là thành 3 bình diện khác nhau, và trong mỗi bình diện còn phải được phân ra thành những cách thái hữu khác nhau nên các học giả thường gọi là triết lý của Jaspers là một triết học bị phân sáp ( Philosophie de I’ eetre dechire =  die Zerissenheit dé Seins ) hay triết học về hữu đa tạp ( Periechontologie ).

                Nhưng nếu sự hữu tùy theo từng bình diện cũng đa tạp, cũng phải được phân sáp thành nhiều loại khác nhau nghĩa là theo chủ trương của Jaspers, từ bình diện sự hữu này sang bình diện sự hữu khác, nhất là từ cách thái hữu này sang cách thái hữu khác không được dùng cùng một phương pháp nhận thức. Phương pháp ông đề nghị là:“Biện chứng nhảy vượt"  (Transzendieren = Ur-sprung = Sprung )

                Những phân tích tế nhị để phân sáp hữu thành nhiều cách thái hữu và song song với cách thái hữu ấy lại có một cách thái tri thức hữu đã được ông đúc kết vào một quan niệm mà chính ông cũng công nhận là hơi khó hiểu. Đó là quan niệm BAO DUNG THỂ ( das Umgreifende ).

                 Từ năm 1935 trở đi với quyển Vernunf und Exitstenz, Jaspers đã thường nói tới quan niệm khúc mắc và bí ẩn này. Và mỗi ngày nó càng chiếm một địa vị quan trọng trong tư tưởng của ông. Vậy Bao dung thể là gì?

                Nói chung, quan niệm Bao dung thể đã được nghĩ ra để chống lại lối biết và lý luận theo khuôn khổ rõ rệt và khách quan, như lối biết bằng Trùng hợp và phân ly ráo riết giữa chủ thể và khách thể. Nghĩa là ở đây, mỗi tri giác, mỗi ý tưởng  mỗi tình cảm…của ta đều được quan niệm theo những khuôn khổ, hạn từ rõ rệt để trở thành những "ý tưởng minh bạch và khúc chiết" theo kiểu của Descartes chẳng hạn. Vì bên ngoài và chung quanh mỗi cái luôn luôn có một cái gì rộng rãi hơn "bao quanh" ( Bao dung ) lấy. Nói một cách cụ thể, mỗi cái đều thể hiện ra với ta như mặt trăng những đêm bị "quầng trăng" vây quanh thành ra trăng không được rõ mà quầng trăng cũng không rõ. Jaspers thường gọi đó là một "chân trời" ( Horizont ) rộng hơn bao quanh lấy mỗi cái.

                 Nếu mỗi ý tưởng, mỗi tri giác ,mỗi tình cảm đã như thế thì nhiều cái hợp lại cũng như thế và vạn sự hữu hợp lại cũng như thế nữa, thì những gì được các hệ thống cũ như Hegel gọi là "toàn thể" ( Totalite ) không còn tính cách rõ rệt của chúng nữa. Vì bên ngoài chúng cũng có những chân trời bao dung hơn vây quanh lấy chúng. Đó là bao dung thể. Trong Vernunft und Existenz (Lý tính và hiện sinh), Jaspers đã định nghĩa bao dung thể một cách tiêu cực như sau “ Toàn thể nào trở thành đối tượng tri thức biểu tượng cho ta… thì không còn là Toàn thể nữa .”( Alles, was uns Gegenstand wird,…its nicht Alles) .

                Qua mấy điều giải thích trên, quan niệm bao dung thể được hiểu là một cái gì bao hàm cả chủ tri và khách tri hòa một, chứ không có sự phân ly, tách rời như trước. Trong triết học nhập môn ông cũng giảng nghĩa như vậy : Mỗi khi, hễ nhìn vào sự phân ly chủ thể  - khách thể kia, ta thấy hiện lên một ý nghĩa huyền bí : Vậy ý nghĩa ấy là gì? Thưa chính là sự hữu toàn diện. Nhưng sự hữu toàn diện này không phải đối tượng khách thể, cũng không bản ngả chủ thể, mà là bao dung thể, thể hiện trong phân ly nói trên.

 

                Nhưng thoạt tiên trong tác phẩm Triết học, Jaspers mới nói tới 3 bình diện hữu; về sau để trung thành với cố gắng phối hợp Lý trí và Hiện sinh, ông đã phân sáp sự hữu thành 4 cách thái hữu cũng gọi 5 cách thái bao dung thể mà trong triết học nhập môn, ông đã lược tóm như sau:  "Đến đây tôi thú nhận không thể trình bày ý niệm ấy vắn tắt hơn được nữa, chỉ tóm lược như sau : Được quan niệm là chính sự Hữu. Bao dung thể mang tên Siêu việt thể ( Tạo hóa ) hay Vũ trụ. Còn khi được quan niệm theo sự hữu thể của chúng ta thì Bao dung thể lại mang tên: Chủ thể sinh tồn, Ý thức phổ quát và Tinh thần." 

                Vậy có thể nói : trong số 5 cách thái bao dung thể ấy , có 2 cách thái không phải của hiện sinh là mỗi người chúng ta. Hai cách thái ấy là Vũ trụ ngoại tại và Siêu việt thể. Còn trong ta có 3 cách thái bao dung thể là Chủ thể sinh tồn; Ý thức phổ quát và tinh thần, rồi gồm cả ba là HIỆN SINH. Siêu việt thể là Hữu-tự-tại sẽ được nói tới sau hết vì nó là tận điểm của biện chứng nhảy vượt. Bây giờ hãy bắt đầu từ bình diện thấp nhất:

 

HỮU KHÁCH QUAN cũng gọi là công cuộc thám hiểm Vũ trụ. Lãnh vực hữu này bao hàm tất cả những gì thường ngày ta bắt gặp, quan sát và tìm hiểu bằng thái độ tri thức đứng đắn và những khảo cứu khoa học. Đó là vũ trụ vạn vật và chính cả thành phần thể xác, sinh lý của con người  nữa . Đặc tính cốt yếu của những sự Hữu này là khách quan tính, nghĩa là chúng được các nhà khoa học khảo sát chúng như những đối tượng khách quan. Nhưng nếu đã chấp nhận tính cách khách quan ấy thì đương nhiên phải chấp nhận hai hậu quả sau đây:

         -  Một đàng, nếu sự ngoại tại được coi là khách quan thì thiết yếu phải giả thiết một chủ tri; vì chỉ có đối tượng khách quan là khi liên hệ với một thái độ “ hướng nhìn” của chủ tri ý thức. Sự liên hệ này nói lên nguyên tắc ý hướng tính của Husserl.

         - Đàng khác, nếu chỉ duy có bình diện này có tính cách khách quan thì những bình diện sau nó không thể có tính cách khách quan và như vậy không thể áp dụng duy một lối tri thức khách quan trực hệ được.

           Vì vậy ngay ở đây, Jaspers đã không chủ trương dùng đường lối khách quan của khoa học thực nghiệm để thám hiểm sự bí ẩn, tầng mức của vũ trụ, mà phải dùng lối triết lý hay đúng hơn phải dùng lối biết theo bao dung thể. Điểm này đã đương nhiên mang lại một phương pháp mới cho việc tìm hiểu vũ trụ.            

Thực vậy, ban đầu ở Hi Lạp với quan niệm “ Phusis” và “ Kosmos” có lẽ người Hi Lạp xưa đã quan niệm vũ trụ như một hòa âm, trong đó người và vật không thể tách rời nhau thành chủ thể, khách thể , nhưng dần dà về sau tư tưởng Phương tây đã quan niệm vũ trụ là một toàn thể những gì ngoại tại, tách biệt, lắm khi còn chống đối với con người.

Những nguyên nhân đưa đến quan niệm ấy quá phức tạp không thể nói ra ở đây, nhưng chỉ biết rằng: theo một ít nhà tư tưởng như Heidegger chẳng hạn thì sự phân tách một bên là vũ trụ ngoại tại và một bên là chủ tri nội tại như thế đã bắt nguồn từ những nền siêu hình học đã quên sự hữu mà chỉ thấy có Vật hữu, rồi người ta mới dịch Phusis thành Physique và Nature physique.         

Do đó, quan niệm về vũ trụ học đã trở thành một lối tìm hiểu vũ trụ vạn vật một cách khách quan. Rồi khi khoa học thực nghiệm đến, nó càng đào sâu thêm sự phân cách khuynh hướng khách quan ấy hơn nữa.         

Với những lối suy tư và phương pháp như thế, cả triết học và khoa học đã hy vọng đạt tới được toàn diện khách quan về vũ trụ. Nghĩa là tuy cứ muốn phân sáp vũ trụ ngoại tại thành trăm ngàn mảnh (Như Whitehead nói : La nature est en hallons )! để khảo cứu từng mảnh một cách tường tận. Các khoa học thực nghiệm và triết lý vẫn ngấm ngầm ước vọng nắm được vũ trụ như một toàn diện. Nhưng theo Jaspers ước vọng đó không bao giờ thành tựu.         

Vậy nhiệm vụ của triết lý bao dung thể là phải biết nhận ra đâu là những giá trị và đâu là khả năng giới hạn của khoa học. Đó là thái độ bình luận do Kant đề xướng mà Jaspers tiếp tục và khai triển ở đây. Vì vậy ông đã đập thẳng điểm trọng yếu nhất của những vũ trụ quan đi trước, tức là ước vọng nhìn vũ trụ như một toàn diện khách quan.

          Trước hết ông đã minh chứng rằng vũ trụ vạn vật này không phải một mớ những sự vật riêng rẽ, đóng kín không liên hệ với cái gì ở ngoài chúng cả, cũng không phải một toàn diện nhất trí không bị bao phủ do một "chân trời" nào cả, như ông đã viết trong triết học nhập môn: "Vậy nhờ ở phương pháp mà những kiến thức đa tạp mới trở thành khoa học, nghĩa là lúc ban đầu những kiến thức khoa học còn tản mát, về sau tiến triển thêm mãi, nhưng nhà khoa học phải có phương pháp để liên kết chúng thành một hệ thống nhất".

          Đó là những nguyên tắc lý thuyết liên kết mọi sự thành một khoa học. Rồi nhiều khoa học kiểu đó muốn được kết lại thành một Vũ trụ quan.

          Đó là khuynh hướng muốn tìm ra một vũ trụ quan để dung nạp mọi sự thành một khối nhất trí và khép kín chặt chẽ. Khuynh hướng ấy là một khuynh hướng rất tự nhiên và bất kháng, vì nó muốn dùng có một khái niệm để dung nạp mọi sự. Nhưng phải nói ngay rằng: khuynh hướng ấy căn cứ trên một sai lầm nền tảng mà cho đến ngày nay người ta đã biết rõ.         

Nhưng ước vọng muốn nhìn vũ trụ như một toàn diện vẫn chưa đầu hàng, các khoa học còn hy vọng cấu kết với nhau thành một khối nhất trí khác gọi là nhất trí khoa học bằng hai cách:

-         Một đàng, liên kết mọi khoa học bên nhau thành một hệ thống như A.Comte đã muốn làm.

-     Đàng khác, tôn một khoa học nào đó lên hàng tuyệt mỹ.

 

      Nhưng nhất trí toàn diện của các nhà khoa học này vẫn không thể thực hiện nổi. Thực vậy, khi biết phê phán một chút, không những ta thấy ngay rằng : Tất cả vũ trụ quan đã được người ta đề nghị ra từ trước tới nay đều sai lầm và không thể đứng vững được. Hơn nữa, óc lý luận còn minh chứng rằng: những hệ thống mà các nhà khoa học có nhiệm vụ phải thiết lập thì thiết yếu và tự căn bản chúng đã khác biệt nhau và không thể dung nạp lại với nhau được.               

Đó là sự thật ngày càng rõ rệt khi mà khoa học càng ngày càng phát triển. Ta thấy, những hệ thống lý thuyết khoa học càng muốn bao quát dung nạp rộng rãi thì càng ngày càng không thể liên tục được, nhất là vật lý học. Vì giữa các lãnh vực sự vật  đều có sự phân sáp, ví dụ: lãnh vực vật lý không thể dung nạp với lãnh lực sinh học, lãnh lực sinh học lại khác với lãnh vực linh hồn và lãnh vực linh hồn lại khác với lãnh vực tinh thần.               

Trước sự thất bại ấy, tất nhiên trí khôn ta phải thắc mắc xem bên ngoài những giới hạn kia, các khoa học còn mang một ý nghĩa nào không?               

Nếu vũ trụ có thể lãnh hội được như một toàn diện khách quan thực sự thì khoa học có thể đi vòng quanh  và thấu triệt được sự hữu toàn diện. Như thế, bên ngoài khách quan tính của vũ trụ không còn phải tìm kiếm nữa và không còn suy tư triết lý hay siêu hình nữa. Nhưng khi khoa học thất bại thì từ đó khởi phát lên một ý nghĩa. Triết lý là con đường tiếp vận ý nghĩa ấy.

                Như thế, tự vũ trụ này không có ý nghĩa đầy đủ vì nó không phải một thực tại viên mãn. Nên luôn luôn người ta phải dùng sự vật này để dẫn đến sự vật khác ( nghĩa là dùng vũ trụ để tìm một cái gì khác ngoài nó ). Vì vậy không ai biết được khoa học trong tương lai sẽ còn đi tới đâu và nó sẽ mở ra cho loài người bao nhiêu chân trời mới hoặc bao nhiêu vực thẳm mênh mông nữa?

                Nói tóm, Hữu khách quan là một hình thái hữu ta đã cố gắng lĩnh hội như một toàn diện khách quan, nhưng không tài nào lĩnh hội được. Vì vậy nó là một hình thái bao dung thể riêng biệt của nó. Và nếu muốn vươn lên bình diện trên phải "nhảy vượt" vì ở tận cùng của vũ trụ còn một "chân trời" khác bao phủ nó.                

HỮU HIỆN SINH  cũng gọi là việc minh giải hiện sinh ( Ichsein-Existenzerhellung ). Hữu hiện sinh đây được hiểu như một cá nhân cụ thể trong nội tính hay chủ thể tính độc đáo của nó, nghĩa là như một bản vị riêng tư, biệt lập với vạn sự hữu thường nghiệm khác. Chỉ riêng có nó mới dám mang danh nghĩa là một Hiện sinh ( Existenz ). Nó chính là khởi điểm và là nguồn suối suy tư cho triết lý, vì triết lý sẽ thiết yếu là suy tư trên thân phận con người, hiểu như là một hiện sinh hoàn toàn tự do. Và tự do này được phân tích như thể hiện trong mỗi hiện sinh cá biệt, độc đáo, duy nhất.

Tiếp đó, hiện sinh tự do ấy lại được nhìn trong tình trạng sử tính dính liền với nó. Sau cùng hiện sinh tự do nhưng không cô lập (như với Kierkegaard), mà thiết yếu liên hệ với người khác và thông cảm được với họ. Vì họ cũng là những con người tự do, cá biệt, độc đáo và duy nhất cũng sống trong những hoàn cảnh và sử tính như vậy.               

Nhưng sau cùng và trên hết, hiện sinh còn liên hệ và hướng về Hữu tự tại. Nên cách thái hữu của nó càng trở nên phức tạp, không thể nhìn nó bằng thái độ khách quan như trong lịch sử triết lý Hi Lạp và Tây phương đã nhìn nó như Chủ thể sinh tồn, hoặc Ý thức phổ quát, hoặc là Tinh thần. Trái lại phải nhìn mỗi cách thái hữu bao chứa trong hiện sinh theo quan điểm bao dung thể như sau:   

a) Trước  hết là Hữu thường nghiệm hay là chủ thể sinh tồn ( Dasenin). (Xin đừng lầm với Dasein của Heidegger ) thì thiết yếu mỗi hiện sinh cũng đều sống trong một vị trí và một thời gian, nghĩa là ở bình diện này hữu hiện sinh thường được quan niệm y như một sự vật trong muôn sự vật vô linh mà đặc tính  nền tảng là trương độ. Hơn nữa, hữu sinh tồn này còn mang những đặc tính giống như sinh vật ví dụ về mặt sinh lý. Hiện sinh ở đây cũng biết ăn uống, giao cấu, sinh sản, truyền sản và cũng mang những vết tích di truyền tốt hay xấu của nòi giống hay của cha mẹ nó và cũng sinh sống y như một sinh vật. Rồi về mặt tâm lý, Hiện sinh còn thể hiện ra qua một ý thức với những quan năng và phản ứng tình cảm, lý trí cùng ý chí và những thái độ tâm lý thăng trầm đối với thế giới chung quanh người và vật. Nói ngắn gọn, hiện sinh ở đây có thể là đối tượng khách quan cho nhiều khoa học như sinh lý học, tâm lý học, xã hội học và sử học. Bởi nó là một thực tại thực nghiệm của nhiên giới, vì con người là một đối tượng hoàn toàn có thể hiểu biết được.

                Do đó những lý thuyết về chủng tộc mới thiết định được những khác biệt giữa những chủng tộc này với những chủng tộc khác; rồi nhà phân tâm học mới nghiên cứu được hoạt động của tiềm thức; và chủ nghĩa Mác mới coi con người như một sinh vật sống động biết cần lao và sản xuất để chế ngự được thiên nhiên.

                Đó là tất cả những đường lối tri thức dùng để lĩnh hội được một cái gì đó xác thực, nhưng không bao giờ lĩnh hội được toàn diện con người. Vì con người vượt xa trên những bình diện vừa nói.               

Thực vậy chỉ có con người và duy nhất có con người mới mang thêm cho những bình diện ấy được những gì độc đáo, ví dụ như ngôn ngữ, dụng cụ làm ăn, những phát minh, những hình ảnh hội họa điêu khắc và trên hết con người có thể tự mình rèn luyện chính bản thân mình.               

Như thế đang khi mọi sinh vật khác chỉ thụ động sống theo bản năng thiên nhiên trong những khuôn khổ nhất định, thì chỉ duy có con người mới biểu hiện được sức sống tràn đầy ra chung quanh nó, vì con người đã dung nạp được mọi hình thái bao dung bên dưới nó. Đó là một ý thức bao dung cần có ngay ở trình độ này, nhưng vì lắm khi quá quen thuộc với những thực tại thường nghiệm như những khuynh hướng chỉ nhìn con người như một con vật cấp cao nên người ta đã quên mất tính cách huyền bí bao dung nơi con người.  

  b) Nhờ ý thức bao dung vừa nói, chúng ta mới vươn lên được hữu hiện sinh quan niệm như một ý thức phổ quát ( Bewusssein uberhaupt). Sở dĩ phải nói đến tính thái hữu này vì trong lịch sử triết học phương tây, kể cả Descartes, nhất là Kant đã chỉ coi hiện sinh là một ý thức tri thức không hơn không kém; vậy theo Kant và Jaspers lặp lại ở đây, chúng ta chỉ là ý thức trong sự phân ly chủ thể - khách thể, nghĩa là đối với mọi sự , tất cả hiện sinh của ta chỉ là một chủ tri ( Sujet connaissant ) đứng đối diện với những đối tượng khách tri của mình. Vì vậy sự liên quan giữa hai bên chỉ là một sự tương quan biết và chịu biết một cách vô tư, bàng quan không dính líu gì với nhau cả.. Ta có thể hình dung quan niệm chủ tri này như một máy ảnh, bạ gì chụp nấy, miễn là có cái cho mình chụp hay như một máy ghi âm ghi bất cứ cái gì một cách vô tư, lạnh lùng.

Tóm lại, hiện sinh như vậy không còn biết sống động, không còn biết rung cảm trước những cảnh bi đát hay hoan hỉ của cuộc đời, không còn biết chung vui hay phân ưu với ngoại giới mà chỉ tìm hiểu chúng theo những trực giác cảm tính và những mô thức tiên nghiệm.  Trong viễn tượng ấy hiện sinh mới chỉ được nhìn một cách hời hợt, phiến diện như một thực tại khách quan đóng kín.

Nhưng nếu nhìn theo quan điểm bao dung thể thì bên ngoài ý thức phổ quát đã thấy lóe sáng một "chân trời" mới. Vì ngay ở đây, nếu phân tích tới kỳ cùng những khả năng của ý thức phổ quát, thì tự trong nó đã thấy ngầm chứa một cái khác, cao hơn, sâu hơn nó rồi. Nói khác đi, con người còn có thể phá tung những khuôn khổ của thực tại thường nghiệm bao quanh để  đạt tới những gì mà Kant đã gọi là ý tưởng về vũ trụ, nhờ đó mà con người có thể bao hàm được mọi thực tại đặc thù, đa tạp vào trong những hình thức cao hơn.               

Nói tóm, hiện sinh có thể đi tới chỗ vượt khỏi vũ trụ bằng tư tưởng và hiện sinh cũng có thể để cho nó biến mất đi như thể không có gì cả. Bởi "Suy niệm còn có nghĩa là hiểu được sức mạnh của tư tưởng". Vì biết tư tưởng là bắt đầu biết làm người như hiểu biết đích xác được sự vật, người ta mới nhận ra được sức mạnh của trí khôn….               

Rồi những  diễn dịch của lý luận càng có sức mạnh cưỡng bách, hay những chứng minh theo lý luận nhân quả càng hiển nhiên và thực tại của những thí nghiệm càng rõ rệt nếu những phương pháp càng được áp dụng một cách minh mẫn. Đó là sức mạnh của lối tư tưởng khi gặp những giới hạn, tất nhiên đó là lúc bắt đầu cho việc suy tư triết lý đích thực

c) Hiện sinh còn là tinh thần. Qua danh từ này ta nhận ra ý tưởng then chốt trong triết lý của Hegel. Vậy, có thể nói theo quan điểm lịch sử triết học, Hegel là hậu trường tìm năng bao dung Kant hay tinh thần là hậu trường tiềm ẩn bao dung lấy ý thức phổ quát. Nhưng hiện hữu như tinh thần là gì? Đó là ý thức phổ quát , mỗi hiện sinh đều có được những ý tưởng đặc thù, nhờ đó nó có thể lĩnh hội được ý tưởng chung bao hàm tất cả. Ở đây, những ý thức phổ quát hay trí năng phân tán, ly gián đều như được ráp lại, hay liên kết với nhau và như lôi cuốn vào một sự vận hành có tốc lực mạnh của tinh thần. Nếu không may những ý tưởng ấy bị tiêu tán mất thì cả vũ trụ này cũng bị sụp đổ luôn và mọi sự sẽ phân tán thành những thực tại thường nghiệm, tản mát không thể hiểu nỗi nữa.               

Những  ý tưởng ấy có nhiều loại như ý tưởng thực tiễn về nghề nghiệp, nhiệm vụ... trong đó con người tự thực hiện chính mình, lại cũng có những ý tưởng lý thuyết như vũ trụ, linh hồn, sự sống… Những ý tưởng ấy hướng dẫn ta như khích lệ từ bên trong hay như sức hấp dẫn của những toàn diện tượng trưng chứa đựng trong vạn vật. Những ý tưởng này lại không phải những đối tượng khách quan, nhưng chúng xuất hiện thành những sơ đồ và hình thức nên chúng thường thể hiện trong ta như những động cơ hiện diện trong ta để khích lệ ta hành động một cách hiệu lực. Đồng thời chúng vẫn mang tính cách một toàn diện hàm hồ, vô hạn định. Tính cách hàm hồ, vô hạn định ấy nhắc nhở tới cái gì bao dung hơn.               

Nói tóm lại, cả ba hình thái bao dung thể ấy đều là những hình thái nói lên sự lệ thuộc của hiện sinh vào trần gian. Nếu coi những bao dung thể này như những thực tại khách quan thì hình như ở bình diện thường nghiệm, người ta có thể coi hiện sinh như những đối tượng cho sinh vật học, tâm lý học, xã hội học và luân lý học không hơn không kém. Nhưng Hữu của ta không những là đối tượng khách quan như vậy, nó còn là một cái gì khác nữa.

d) Như vậy nói rộng ra, chúng sinh còn là hiện sinh khả thể vì riêng sự hiện hữu của chúng ta là do một nguồn suối ở ngoài và ở bên trên những thực tại của lĩnh vực thường nghiệm, của ý thức phổ quát và tinh thần. Đó mới là thực chất của ta. Thực chất ấy thể hiện ra qua những hình thức sau đây:

         i)  Qua sự bất lực mà con người cảm thấy khi đứng trước chính mình, nghĩa là trong hiện sinh chúng ta cảm nghiệm và thấy một cái gì siêu việt hẳn cuộc sống sinh tồn, sự hiểu biết bằng ý thức và cả bình diện tinh thần.

          ii)  Tuyệt đối được coi như một Hữu đích thực của hiện sinh. Tuyệt đối ấy là căn cứ mà hiện sinh phải đem cả cuộc sống để phục vụ, vì tất cả mọi ý  nghĩa và giá trị của cuộc đời đều do Tuyệt đối ấy mà phát xuất.

           iii)  Trong khích lệ liên lỉ vươn tới nhất trí, vì con người không thỏa mãn  được với một cái nào trong những cái thái bao dung thể, hay tất cả mọi cách thái bao dung hợp lại. Trái lại, họ hằng ước vọng vươn tới được một nhất trí cao cả nhất và chỉ duy có nó là hữu đích thực và hằng cửu.

            iv) Trong một hoài niệm huyền diệu, tương tự như một am hiểu ngấm ngầm ( Schelling ) hay tương tự như kỷ niệm lại những gì họ đã chiêm ngưỡng được trước kia ở một thế giới khác ( Planton )

            v)  Hay trong ý thức họ có về cuộc trường sinh bất tử, nhưng ở đây trường sinh không phải là tiếp tục cùng một cuộc sống như thể hiện dưới một hình thức khác mà như là một sự nương thân trong một trạng thái đời đời, không còn thời gian.

                Như thế, theo những hình thái bao dung  thể của hiện sinh, cái nào cũng hàm chứa  một phân ly chủ thể - khách thể, nhưng phân ly trong một biện chứng giữa chủ thể và khách thể .Ví dụ: Với bao dung thể của chủ thể sinh tồn thì có sự tương hấp của vũ trụ khách quan ngoại tại chung quanh và thế giới nội tâm. Với bao dung thể ý thức phổ quát thì có ý thức và đối tượng của nó tương hấp nhau. Với bao dung thể tinh thần thì có sự tương hấp giữa mỗi ý tưởng trong ta và ý tưởng khách quan xuất hiện ra với ta. Với bao dung thể hiện sinh thì có sự giằng co giữa hiện sinh và siêu việt thể.               

đây hiện sinh và siêu việt thể giáp mặt nhau. Đó là hai đề mục được Jaspers phân tích tỉ mỉ như luôn luôn gắn liền với nhau. Và hình như phải nói rằng: đề mục thứ nhất chỉ có lý do tồn tại trong đề mục thứ hai.  Vì vậy đừng lầm tưởng rằng: Triết lý hiện sinh của Jaspers chỉ suy tư về thân phận con người như lối mô tả hiện tượng luận thuần túy. Trái lại, khi triệt để nhấn mạnh trên tự do của hiện sinh, tác giả không chủ ý dừng lại trên tự do mà  vươn lên một bình diện cao hơn. Vậy hiện sinh thực sự là gì? Danh từ và quan niệm "Existenz"  ( hiện sinh ) được nêu ra ở đây chủ ý tách  biệt với quan điểm chủ tri của triết lý cũ, hiểu như một trí năng hay tinh thần.

Tiếp bước Pascal và Kierkeggard, Jaspers quan niệm chủ thể hiện sinh là khả năng riêng tư nhất nơi mỗi người, để họ có thái độ mỗi khi gặp trường hợp, biến cố và thái độ của người khác trong cuộc sống và trong xã hội.

                Nói cho đúng, danh từ của hiện sinh thường được Jaspers coi như đồng nghĩa với danh từ Nguồn suối, theo đó, hiện sinh phải hiểu là một sức trào vọt từ thẳm sâu tự nguyên ủy của mỗi con người, hay là một tác động nhảy vượt nhờ đó mỗi hiện sinh vượt ra ngoài lĩnh vực thường nghiệm tự lập trên một bình diện cao hơn và khác hẳn. Có thế con người mới tự do.

Tóm lại , qua danh từ hiện sinh vừa nói, ta có thể thấy đặc tính sau đây của nó:

-         Hiện sinh là một đối tượng không thể định nghĩa được, như Jaspers cũng đã viết: "Con người là gì ?" Sinh lý học nghiên cứu thể xác, tâm lý học nghiên cứu tâm linh và xã hội học nghiên cứu xã hội tính của họ…Đó là đường lối khảo cứu con người của khoa học nhân văn. Tuy nhiên chúng cũng chỉ đem lại được những kiến thức tản mát, chứ không thể là con người toàn diện được.

-         Hiện sinh còn được gọi là nguyên ủy và đích thực nhất. (Ở phần sau bài viết, trong đoạn trình bày về tinh thần độc lập của triết lý sẽ nói rõ về lối sống nguyên ủy và đích thực này) Ở đây tác giả chỉ nêu ra những hình thức sống không đích thực có thể phương hại cho tinh thần độc lập cho ước vọng sống đúng nguyên ủy đích thực của nó. “Các chính sách chuyên chế thường đố kỵ tinh thần độc lập nơi mỗi cá nhân, ví dụ một tôn giáo võ đoán khi nó cưỡng bách mọi người phải phục tòng một chân lý duy nhất mà không để cá nhân theo sở thích của riêng họ…"

                Ngoài ra tinh thần độc lập còn có thể mất hút đi trong những tập quán, những khẩu hiệu tuyên truyền thông thường vì nó đã đổ tràn vào cuộc sống hàng ngày, và vì tinh thần độc lập bị nhấn chìm đi trong óc não quần chúng.

-         Hiện sinh còn là một hiện sinh khả thể( ausmoglicher exstenz ) hay hiện sinh bằng dự phóng. Khi nói về hiện sinh là một nguyên ủy ta thường nhìn nó trong dĩ vãng và khi nói về hiện sinh khả thể ta thường hướng về tương lai của nó. Hiện sinh có nghĩa là luôn luôn tôi phải quyết định rằng tôi có hiện hữu đích thật hay không? Và còn phải phá tung mọi chướng ngại vật ngoại tại và nội tại muốn giam giữ tôi lại trong trạng thái tĩnh và thụ động.

-         Rồi từ khả thể, hiện sinh tất nhiên còn là quyết định, theo những yêu sách tuyệt đối. Đây là đặc tính nói lên hiện sinh tự do hơn hết. Nhưng tự do không còn được quan niệm như một vấn đề phải chứng minh nữa, vì thiết yếu tự do không thể chứng minh. Tìm chứng minh tự do là một đường lối ngụy tạo, vì tự do không phải là một vấn đề hay sự kiện phải khám phá mà là một tác động để thực hiện. Ở đây con người bắt gặp được trong chính thâm tâm của mình một cái gì không gặp được ở đâu trong trần thế này  cả. Cái đó vượt hẳn mọi khả năng chứng minh, hiểu biết và đối tượng hóa.               

Nếu vậy, tự do không khác gì chính hiện sinh, hay phải nói tự do là hiện sinh và ngược lại. Cả hai đều hàm chứa những nghịch lý nan giải nhưng là những nghịch lý vẫn hiển hiện giữa lòng hiện sinh tự do. Trước hết, nếu hiện sinh được coi là một sức trào vọt độc đáo thì chính tự do – tác động độc đáo của nó – cũng thể hiện ra như thế vì một đàng cả hai thiết yếu là những sự kiện tuyệt đối, vô điều kiện không lệ thuộc một tất yếu nào cả nhưng một  đàng chúng vẫn bị ràng buộc với một cái gì tất yếu.

                Vậy ta ý thức được rằng: ta tự do là khi ta công nhận là ta phải phục tòng một số yêu sách. Thỏa mãn những yêu sách ấy hay không là quyền ta định đoạt. Nghĩa là chúng ta không thể phủ nhận rằng: chúng ta phải quyết định và mỗi khi quyết định là quyết định về chính mình.

                Như thế tuy tự do được quan niệm như một sự thoát ly mọi ràng buộc của nhiên giới và xã hội trong chính việc lựa chọn lối sống đích thực, hiện sinh đã bó buộc phải phục tùng mọi điều kiện. Tuy sự bó buộc trên chưa phải là điều kiện quá khe khắt hay bất kháng. Phần sau bài viết, khi bàn về yêu sách tuyệt đối, Jaspers thuyết định tính cách bó buộc, tất yếu ấy như sau: “… tuyệt đối chỉ xuất hiện trong sự quyết định của một hiện sinh tức là quyết định  sau khi đã suy nghĩ chính chắn. Nó không thể hiện ra ở lối sống thế này hay thế khác mà là bằng tự do. Nhưng tự do ở đây không phải tự do theo những cố định của bản năng tự nhiên, mà là phải xuất tự căn bản siêu việt (của nó)”.               

Nếu thế, tự do ở đây không còn được hiểu là lối sống bừa bãi, phóng túng mà là một tự do nghiêm nghị vì nó bị gắn liền với một yêu sách tuyệt đối. Vậy, tự do là thiết yếu quyết định và tự quyết định trong yêu sách tuyệt đối. Vì sao vậy? Vì tự do cũng như hiện sinh không phải một thực tại đứng chơi vơi giữa trời, trái lại nó còn gắn liền với siêu việt thể hay đúng hơn, trong nội địa của tự do khi con người tự do hết cỡ, tự do đến kỳ cùng thì không phải đời hết lý sống như những hư vô thuyết chủ trương.

                Trái lại, càng tự do lựa chọn và quyết  định về chính mình thì hiện sinh  tự do càng khám phá thấy một cái gì càng bao dung hơn mình. Bởi chúng ta biết, tự ta quyết định chứ chúng ta không lệ thuộc định luật thiên nhiên  một cách máy móc, nghĩa là ta tự do hơn sinh vật, nhưng tự do đó không tự ta mà có, vì khi tự do, ta tự cảm thấy ta là một tặng vật cho chính ta. Nói tóm, tự nơi sâu kín của lòng người luôn luôn thao diễn một sự giằng co khủng khiếp, triền miên giữa hiện hữu thời gian và hiện hữu với hằng cửu siêu việt.

 

Thêm vào đó, những giằng co giữa hiện sinh với vũ trụ thường nghiệm, với những biến cố bi thảm của cuộc đời và sự giằng co với người khác còn tăng vẻ hi hữu và bi đát lên gấp bội. Đó là đề mục về sử tính ( geschichtlickeit ) và những hoàn cảnh giới hạn bất dịch ( grenzsituationen ) và về thông cảm ( kommunication ).   

- Quan niệm “sử tính” thường đi đôi với quan niệm “tùy cảnh” của G.marel. Vì hiện sinh thiết yếu còn là sống trong hoàn cảnh như ở trên đã nói sơ qua về Dasein. Vì thường thường hoàn cảnh được hiểu theo nghĩa một vị trí không gian, chỗ tôi ngồi, đứng hay nơi chôn nhau  cắt rún…Nhưng ở đây hoàn cảnh được hiểu là hoàn cảnh riêng tư, độc đáo của mỗi con người, không thể thay thế bằng hoàn cảnh nào khác được, vì hoàn cảnh này không phải từ ngoại tại mà đến. Do đó, mỗi hoàn cảnh còn là hoàn cảnh giới hạn ( grenzsituation ) như những khuôn khổ giam hãm mỗi hiện sinh. Những hoàn cảnh ấy rất nhiều và phức tạp, trong đó có những hoàn cảnh thay đổi luôn, mỗi hoàn cảnh còn có thể được thay thế bằng một hoàn cảnh khác, lỡ việc này tôi có thể toan tính việc khác….và cứ như thế mãi. Nhưng nếu hoàn cảnh có thể thay đổi được mãi như vậy thì chính tôi cũng không ngớt thay đổi, chuyển hóa từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác liên miên. Đó là một hoàn cảnh được Jaspers gọi là hoàn cảnh giới hạn nền tảng cho mọi hoàn cảnh đặc thù đến sau.               

Những hoàn cảnh giới hạn ấy thường có tính cách tất định như mỗi con người sẽ sinh trưởng ra tại một nơi này chốn kia, do những cha mẹ, bà con không cho mình lựa chọn, hay mỗi người đều mang cho mình một xứ mệnh hên hay xui, may mắn hay không may mắn là những gì được coi như tử vi của mỗi hiện sinh. Những hoàn cảnh ấy, mỗi con người không thể rủ bỏ hay phủ nhận được nên đành phải chấp nhận chúng y như sinh vật sống với bản năng, nhưng hiện sinh còn có thể chấp nhận những hoàn cảnh ấy bằng tự do. Hơn nữa, ngay với những gì xảy ra tình cờ, con người còn có thể coi chúng như những sự kiện không tất định, nên họ có thể không bi quan ủy mị mà lại can trường chấp nhận chúng.               

Do đó, có thể nói sử tính trước hết không là gì khác cho bằng hoàn cảnh giới hạn hoàn cảnh với tính cách như một tất định mà hiện sinh chịu đựng nhưng lại chịu đựng một cách tự do như một thành phần của chính mình. Tiếp đó còn phải thêm vào ý nghĩa sử tính ấy mấy đặc điểm sau đây:

-         Sử tính còn là tình trạng dung hòa hữu thường nghiệm với hiện sinh, nghĩa là tuy cũng như sự vật, mỗi hiện sinh đều sinh ra và mang theo mình một số những đặc tính cố định trong hữu thường nghiệm của mình, nhưng đồng thời hiện sinh còn chấp nhận những cái đó bằng chính cuộc đời của mình, là sống với chúng và tìm cách thăng hoa chúng.  Do đó sử tính cũng đồng thời là sự dung hòa được cả tự do và những gì bó buộc tất yếu nhưng như thế chưa đủ.

-         Sử tính còn là dung hòa được cả thời gian và hẳng cửu. Vì sử tính là một “khoảnh khắc” (instant) hiện sinh như Kierkeggad nhận xét về cuộc sống hiện thế của người tín hữu: “chúng ta quyết định trong thời gian hiện hữu” ( nous decidons dans le temps de notre eterenite ). Trong khi sống đầy đủ ý nghĩa của lịch sử, ta còn phải vượt qua lịch sử để vươn lên tới đời đời”

                Như thế hoàn cảnh giới hạn và sử tính là hai yếu tố đi song song nhau. Về hoàn cảnh giới hạn ấy, Jaspers cũng đã viết trong triết học nhập môn như sau:“Hãy chú ý số phận chúng ta, tất sẽ thấy rằng nó bị giam hãm trong những hoàn cảnh cố định. Hết hoàn cảnh này đến cơ hội khác. Mỗi cơ hội để lỡ là mỗi cơ hội không bao giờ trở lại. Tự tôi có thể dấn thân thay đổi một hoàn cảnh.”Nhưng có những hoàn cảnh thiết yếu không thể thay đổi, tuy bên ngoài có vẻ thay đổi chút ít hay chúng không phô trương hết tiềm lực của chúng. Đó là những hoàn cảnh giới hạn bất định như chết, đau khổ, chiến đấu, lệ thuộc những cảnh ngộ bất ngờ, và lẩn quẩn trong xiềng xích của tội lỗi”    Đó là tình trạng giằng co giữa hiện sinh và những hoàn cảnh giới hạn.

Nhưng bên cạnh đó, còn sự giằng co giữa hiện sinh và những người khác nữa mà Jaspers gọi là sự thông cảm. Vì ở đây mỗi hiện sinh đều là hiện sinh và thực hiện hết ý nghĩa làm người của mình đối với người khác nữa chứ không phải là như hai sự vô linh nằm bên nhau nên cuộc sống giữa hai bên phải được đập theo một nhịp biện chứng bằng trao đổi, bằng hiểu biết lẫn nhau, bằng tranh chấp nhưng tranh chấp trong một tình huynh đệ. Đây là tình trạng thông cảm giữa hiện sinh với hiện sinh được Jaspers  coi là một nguồn suối cần thiết cho  thời đại ta. Ông viết : “Ở đây tranh đấu là trang đấu trong tình huynh đệ . Nhưng vừa tranh đấu vừa thỏa thuận trao đổi khí giới cho nhau . Chỉ trong thông cảm như thế tự do sống bên cạnh con người tự do. Đặc biệt của sự thông cảm này sau cùng còn dẫn đến một tinh thần bao dung về tông giáo ( tolerance religieuse ) rất cần cho thời đại  và những dân tộc cuồng tín :"...triết lý đòi buộc phải luôn luôn tìm sự thông cảm và người ta phải mạo hiểm để vươn tới sự thông cảm mà không trù trừ, người ta không được tự quyết vì tự quyết là kiêu hãnh, tự mãn và luôn luôn đầu thai vào những hình thức giả mạo để áp đảo người khác".                

Đến đây, ta đã lược tóm được tất cả những khía cạnh phức tạp của hiện sinh  và lồng chúng trong viễn tượng của vấn đề sự hữu. Vậy theo những phân tích trên, những hình thái hữu của vũ trụ và hiện sinh đều dẫn đến thất bại, nên vũ trụ và hiện sinh đều phải được gắn liền với một hữu cao hơn - Hữu ấy là HỮU TỰ TẠI, là đối tượng cho siêu hình học. Đó là chuẩn đích tối hậu cho hữu thường nghiệm và hữu hiện sinh và là cứu cánh cho niềm tin triết lý. Jasspers goi hữu tự tại ấy là Siêu việt thể ( transecendens ) và siêu hình học là con đương đưa tới đó. Nghĩa là danh từ siêu việt thể được dùng thay cho danh từ Tạo Hóa/Thượng đế/Thiên chúa..., còn danh từ siêu hình học thay cho danh từ đức tin. Do đó , jaspers  đã nêu lên quan niệm niềm tin triết lý ( der philosophische glaube ) chống lại đức tin võ đoán. (Điều này được ông trình bày tỉ mỉ và liên hệ đến vấn đề triết lý ánh sáng). Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu xét xem:

 TRIẾT LÝ LÀ GÌ ?

      Người ta thường không đồng ý với nhau về vấn đề triết lý là gì hay triết lý có giá trị  gì? Vì có người cho rằng: Triết lý tiết lộ những bí mật toàn diện. Người khác lại nhận thấy triết lý là lối suy luận vô căn cứ, rồi họ bỏ qua luôn không đếm xỉa gì đến nữa. Có người lại coi triết lý là một cố gắng đầy ý nghĩa của những thiên tài, người khác lại khinh thường triết lý là một lối suy luận chủ quan, cố chấp, vô ích do một số đầu óc mơ mộng nghĩ ra. Có người cho rằng: Triết lý liên quan đến vận mệnh của con người nên triết lý phải giản đơn, ai ai cũng hiểu. Người khác lại tưởng rằng: Triết lý quá khó, không thể học hỏi hay sưu tầm được… Như thế, danh từ triết lý bao hàm một lãnh vực khá rộng nên mới thấy nhiều nhận định mâu thuẫn như trên.

 Còn nói  khoa học với triết lý, thì những ai có đầu óc khoa học đều thấy triết lý không đem lại một kết quả hiển nhiên hay kiến thức chính xác nào cả. Khoa học ngành nào cũng nắm được những kiến thức chắc chắn và được mọi người chân nhận. Trái lại, triết lý qua bao nhiêu nỗ lực, kể đã hàng ngàn năm vẫn chẳng thành tựu gì. Không một ai là không thấy rằng: Trong lãnh vực triết lý không bao giờ có sự đồng tình nhất trí để có thể thiết lập một số kiến thức chính xác khách quan. Một kiến thức nào bất cứ, hễ đã căn cứ trên những chứng minh chính xác, bất kháng thì không còn là triết lý nữa mà là chân lý của khoa học. Như thế, triết lý ấy đã thuộc lãnh vực trí thức riêng biệt của khoa học rồi.

             Nhưng khác với khoa học, tư tưởng triết lý hình như không tiến bộ gì cả. Dĩ nhiên chúng ta biết nhiều hơn Hippocrate ( một y sĩ Hy lạp ) nhưng chúng ta không thể tự hào đã vượt xa hơn Platon. Có chăng chúng ta chỉ hơn tiên sinh về những kiến thức khoa học, còn những gì thuộc phạm vi sưu tầm triết lý đúng lý nghĩa, có lẽ chúng ta chỉ gần theo kịp tiên sinh mà thôi.

             Khoa học thì được mọi người công nhận. Trái lại, triết lý dưới bất cứ hình thức nào cũng không thể được mọi người nhất loạt đồng tình. Bản tính của triết lý là như thế nên những gì tìm tòi và chinh phục được ở địa hạt triết lý đều không có tính cách đích xác như khoa học. Đây là một công cuộc tự kiểm thảo và kết quả của nó chi phối cả số mệnh của con người. Hơn nữa những kiến thức khoa học chỉ hạn định trong những đối tượng đặc thù mà không liên hệ gì đến từng cá nhân. Trái lại những kiến thức triết lý lại liên hệ đến toàn diện sự hữu, tức là những gì liên hệ đến con người và vì con người. Ở đây, những chân lý khi bừng sáng lên có thể xuyên tới những nơi sâu kín hơn  mọi kiến thức khoa học.

             Muốn xây dựng một hệ thống triết lý thì tất yếu phải cần tới khoa học, nhưng hướng đi của triết lý lại phôi thai từ một nguồn suối khác. Chiều hướng ấy đã xuất hiện trước mọi khoa học ngay lúc con người vừa tự phản tỉnh. Còn nói về triết lý thông thường, ta thấy có những đặc điểm như sau:

 1. Trong triết lý, ai ai cũng cảm thấy như mình có đủ khả năng suy tư. Trái lại trong khoa học cần phải nghiên cứu thực tập theo phương pháp. Nhưng trong triết lý ai ai cũng có tham vọng tự tìm hiểu và được quyền tham gia những cuộc tranh luận mà không cần tập sự  vì ai ai cũng cảm thấy mình mang thân phận làm người với số kiếp và kinh nghiệm riêng tư của mình. Đó là một sự đòi hỏi rất chính đáng, nghĩa là ai cũng có thể triết lý. Vì những đường lối phức tạp nhất của triết lý (ví như đường lối mà các triết gia chuyên môn đã theo đuổi) chỉ có nghĩa khi chúng quy hướng về thân phận con người. Mà thân phận làm người chỉ được thể hiện tùy ở cách thái mỗi người nắm chắc sự hữu và nhân cách của mình.

2. Ở bất cứ thời nào, hễ suy tư triết lý là phải bắt nguồn từ bản ngã và ai ai cũng dấn thân vào đấy. Một dấu hiệu chắc chắn khiến con người có thể tìm thấy ở chính mình nguồn suối của mọi suy tư triết lý là những những thắc mắc của trẻ em. Người ta đã từng kể cho trẻ em những lời nói có ý nghĩa rằng em là một kẻ khác. Nhưng không hiểu sao, em lại cứ là em? “Như thế đứa trẻ như linh cảm được nguồn suối của mọi chân lý. Đó là ý thức về sự hữu nhờ sự nhận thức về chính mình, nó ngỡ ngàng trước cái ngã huyền bí mà không giải đáp nỗi. Đứng trước huyền bí ấy nó cứ thắc mắc hoài!

             Hay, khi nghe kể lịch sử Sáng thế: “Thoạt kỳ thủy Thượng đế đã tạo dựng trời đất”. Một em bé hỏi: “Vậy trước đó có gì không?”  hỏi thế, em nhỏ đã nhận thấy nảy ra muôn vàn câu hỏi khác. Và như thế nó cũng nhận ra rằng: Trí khôn con người  tra hỏi không biết đâu là cùng. Và rồi con người cũng không bao giờ có giải đáp thỏa đáng vì ai ai cũng nhận thấy rằng vũ trụ này không biết tự đâu mà có.

              Tóm lại, với những ý kiến triết lý thông thường vừa kể trên có thể giúp xây dựng được một nền triết lý sơ đẳng. Nghe thế có người sẽ vội bảo: Trẻ em chỉ học lại những gì chúng đã từng nghe thấy ở cha mẹ hay người lớn nói ra. Nhưng đứng trước những tư tưởng sâu sắc như vậy không thể nói được rằng chúng đã học ở ai cả. Người khác lại cho rằng: Trẻ em chưa thể có được những ý nghĩ triết lý sâu xa như thế, chẳng qua chỉ là sự tình cờ.

             Nếu nghĩ thế, người ta đã quên rằng: Trẻ em thường sinh ra với một thiên bẩm tính. Thiên bẩm tính ấy đã dần dà mất đi khi đứa trẻ khôn lớn. Như thế, cùng với năm tháng, trẻ con đi vào cuộc đời khuôn khổ đầy quy chế, đầy dư luận phù phiếm, đầy giả dối và thành kiến… chúng như đánh mất hẳn thiên bẩm tính tự nhiên để tiếp thâu những gì do cuộc đời biến thái đem lại mỗi giây phút. Bấy giờ chúng ta cũng nghĩ, cũng nhìn, cũng tra vấn… nhưng rồi mọi điều ấy đều bay vù mất đi. Chúng ta như để chìm vào quên lãng với những gì đã đột khởi ở lòng ta trong những giây phút thiêng liêng nào đó. Rồi về sau ta mới ngạc nhiên khi người ta kể lại những điều mình đã nhìn, đã nghĩ, đã thắc mắc… ngày xưa.

3. Không những xuất hiện nơi trẻ em, một nền triết lý bắt nguồn tự nguyên ủy còn xuất hiện nơi những bệnh nhân tinh thần. Năm chừng mười họa, chúng  ta nghe họ nói được những chân lý cao siêu. Ví dụ: Vào những thời kỳ xuất hiện những triệu chứng cuồng loạn, họ tiết lộ những bí mật siêu hình kỳ quái. Nhưng hình thái, ngôn ngữ của họ trong những lúc ấy nếu phổ biến ra được cũng không mang một ý nghĩa rõ rệt nào cả, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của thi sĩ Hoelderlin  và họa sĩ Van Gogh .Tuy nhiên khi chứng kiến tiến trình ấy, ta có cảm tưởng như thấy tận mắt bức màng che phủ cuộc sống thường nhật của ta bị xé toang. Ngoài ra, những con người lành mạnh cũng có kinh nghiệm thấy rằng: Thoạt vừa thức giấc, họ có cảm giác như khi ngủ đã hiểu được những gì kỳ diệu sâu xa lắm. Nhưng khi tỉnh táo hẳn, họ không còn hiểu gì nữa mà chỉ còn những cảm giác huyền ảo. Nên thực là thâm trầm ý nghĩa câu ngạn ngữ: “Chân lý thoát ra từ cửa miệng trẻ em và người điên dại”. Tuy đấy không phải là những sáng tác độc đáo có thể kiến thiết thành tư tưởng triết lý cao xa vì sáng tác thực thụ chỉ có một số ít trí óc vĩ đại mới làm nổi.

 4. Là người, không một ai bỏ qua triết lý được, vì thế mới thấy, triết lý xuất hiện khắp nơi và tồn tại mãi mãi. Như thế đã rõ, không ai là không triết lý nhưng cũng cần xem xét người  triết lý! Vậy, phải nói rằng, chính cuộc hành trình  triết học đã đem lại cho con người nguồn an ủi vô tận. Hơn nữa, trong những giây phút thiêng liêng, con người còn được hoàn toàn  toại nguyện. Nhưng toại nguyện ở đây không phải như khi thu lượm được một kiến thức đích xác hoặc khi được tuyên xưng đức trí, tài năng.... Trái lại, ở đây toại nguyện là khi trong trần thế này, con người thấy thực hiện được ý nghĩa khi đã nhận được ánh sáng của một sự hữu soi cho. Bắt gặp được ánh sáng của sự hữu ấy trong một cảnh ngộ đặt biệt nào đó trong cuộc sống, đó chính là ý hướng của mọi cố gắng triết lý.

             Tóm lại, hành trình luôn mãi và tìm tòi được an ủi toại nguyện trong giây phút thiêng liêng cũng không phải những định nghĩa của triết lý. Vì triết lý không đứng trên hay ngang hàng với cái gì cả. Triết lý cũng không do cái gì khác phát sinh. Trái lại, triết lý chỉ là triết lý bằng thực hiện, triết lý là cái gì mà chỉ qua thực nghiệm mới hiểu được. Nhờ kinh nghiệm người ta mới nhận thấy rằng: Triết lý vừa thể hiện tư tưởng linh động vừa suy tư về suy tưởng linh động vừa là hành động vừa là thái độ giải thích cho hành động.

             Như thế, chỉ nhờ kinh nghiệm bản thân, mỗi con người mới nhận thức được đâu là bản chất triết lý ở đời bởi có nhiều cố gắng định nghĩa triết lý nhưng không nghĩa nào thành công.

             Ngoài những điều trên còn cần tới những phương thức khác để diễn tả ý nghĩa của triết lý. Nhưng không một phương thức nào diễn tả nỗi ý nghĩa ấy và cũng không có một phương thức nào trội vượt cả. Ngày xưa, theo đối tượng thì người ta định nghĩa triết lý là biết được những vấn đề về thần minh và nhân loại hay biết về sự hữu theo tính cách là sự hữu. Theo mục đích , thì triết lý được coi là học để biết chết hay triết lý là biết dùng tư tưởng để tìm hạnh phúc hoặc để thành thần. Sau cùng theo nội dung, người ta định nghĩa triết lý là lối biết vượt trên mọi lối biết, là nghệ thuật vượt trên mọi nghệ thuật, hay đúng hơn, triết là một môn học không bị hạn hẹp vào một địa hạt riêng biệt nào cả. Ngày nay, người ta thường nói về ý nghĩa triết lý như sau:

             Triết lý là muốn nhìn thấy sự hữu nguyên thủy, là muốn lý hội được sự hữu ấy nhờ sự tự phản tỉnh của tôi với tôi mỗi khi tôi suy tư bằng phản tỉnh.

             Hay, triết lý là mở đường cho mỗi cá nhân tiến sâu vào bao dung thể hay triết lý là dám đối thoại với người khác bằng một tinh thần chiến đấu huynh đệ về bất cứ một vấn đề nào.

             Tóm lại triết lý là đường dẫn, nó hướng con người về trọng tâm, nơi đây họ mới nhận thức được chính họ trong khi dấn thân vào cuộc đời.

"Như thế đã rõ dưới hình thức một vài tư tưởng đơn giản và hấp dẫn, triết lý xuất  hiện với bất cứ ai kể cả con nít, Tuy nhiên, việc suy diễn triết lý đòi hỏi  phải cố gắng liên lỉ và phải bắt đầu lại luôn mãi mới hy vọng đạt một hệ thống hợp thời". Chính nhờ đó, triết lý đã xuất hiện trong những sáng tác của những đại triết gia và hình thức âm vọng trong các tác phẩm của triết gia trung bình. Dưới hình thức nào cũng được, ý thức phải cố gắng để triết lý không thể mai một đi được, khi con người còn là con người.

Nhưng không phải sau này triết lý mới bị công kích kịch liệt đến thế. Từ ngàn xưa người ta đã lên án toàn diện triết lý như một đồ thừa thải và nguy hại: Triết lý làm gì? Có cứu nguy, cứu đói... được không? Ngoài ra triết lý còn tỏ ra bất lực trước những nhu cầu cấp bách và thực dụng của cuộc sống hàng ngày. Thalès, nhà triết học cổ nhất Hi Lạp bị cô đầy tớ mỉa mai khi ông sẩy chân sa giếng vì nhìn mây gió. Cô gái tự hỏi: Không hiểu ông hiền triểt này lại lo chuyện gì xa xôi mà vụng về sống đến thế?

          Nếu bị công kích như thế, đáng lý ra triết lý phải tự biện hộ. Nhưng không thể, vì triểt lý không đề xướng ra một chứng cứ vụ lợi nào để bảo đảm cho lý do tồn tại của mình cả. Trái lại triết lý chỉ tồn tại là vì bao giờ trong con người  cũng tiềm chứa những khả năng triết lý rất hồn nhiên. Nhưng khả năng ấy lại chỉ để bênh vực cho một lập trường vô vị lợi, không tính toán hơn thiệt, mà chỉ trú trọng tới con người. Và nó cũng biết rằng: triết lý sẽ tồn tại mãi mãi bao lâu còn có người trên mặt đất. Chính Mác-xít và Phát-xít chủ nghĩa cũng biện hộ cho triết lý. Vì những chủ nghĩa ấy cũng phải được suy diễn thành hệ thống triết lý sao cho thích hợp với những chuẩn đích thực tiễn, tuy đó chỉ là những căn bản của triết lý, nếu xét theo những kết quả họ nhằm. Vì thế chính những chủ nghĩa ấy lại biện hộ cho sự cần thiết bất kháng của triết lý. Nghĩa là luôn luôn con người cần triết lý.

          Nhưng triết lý không thể đấu tranh, không thể tự biện cho mình mà triết lý chỉ có thể cảm thông. Triết lý không đề kháng khi bị phủ nhận, không tự đắc khi được tán dương. Nhưng trên một bình diện cộng đồng thì nơi thâm sâu của lòng người, mỗi cá nhân đều cảm nghiệm được triết lý.

          Đã từ hai ngàn rưỡi năm nay, một nền triết lý cao siêu, có hệ thống mạch lạc đã xuất hiện ở Tây Phương, ở Trung Hoa cũng như ở Ấn Độ. Đó là một truyền thống vĩ đại được ký thác cho chúng ta như một di sản tinh thần. Tuy khác nhau về những mâu thuẫn, những tranh biện xung khắc, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy rằng căn bản vốn có một cái gì độc nhất mà không ai có thể sở hữu được, nhưng bất cứ một suy tư triết lý chính đáng nào cũng đều phải quy vào đấy: đó là triểt lý nhất quán và vĩnh cửu (Philosophia perennis). Vậy, để suy tư triểt lý của chúng ta được minh xác và đạt tới được cốt yếu, chúng ta luôn luôn phải quay về với căn bản truyền thống ấy. Ta phải xét xem có mấy nguồn suối phát sinh ra triết lý.

 MẤY NGUỒN SUỐT PHÁT TRIỂN SINH RA TRIẾT LÝ?

-         Khởi điểm hay nguồn suối.

Nếu nói về khởi điểm thì triết lý đã khởi phát thành lịch sử có hệ thống từ hai ngàn năm trăm năm nay và hơn nữa, dưới hình thức tư tưởng huyền thoại. Đó là khởi điểm nhưng nguồn suối thì khác.

     Khởi điểm theo thời gian vật lý chỉ cung cấp cho hậu lai những thành tích tinh thần đã thâu hoạch được. Trái lại, NGUỒN SUỐI (ta cần nói ở đây) là nguyên ủy phát sinh động lực liên miên thúc đẩy con người triết lý. Nhờ đó, triết lý ngày nay mới gọi được là thiết yếu và triết lý ngày xưa mới có lý do lịch sử của nó.

-         Mấy nhận xét cố hữu về NGUỒN SUỐI triết lý.

Vậy có thể nói có nhiều nguồn suối phát sinh triết lý như:

o       Có ngạc nhiên thường con người mới tìm tòi để hiểu biết.

o       Có hoài nghi không dám chắc so với những điều mình biết, con người mới bỏ cuộc kiểm thảo và tìm đạt cho tới những gì chính xác, minh bạch.

o       Sau cùng một đôi khi có bị lung lạc và tự cảm thấy mình như sa sẩy, con người mới biết tự vấn.

Đó là những yếu tố thường được gọi là NGUỒN SUỐI CỐ HỮU của triết lý. Nhưng chúng ta cần minh giải thêm.

1) Platon chủ trương rằng: Nguồn suối phát sinh triết lý là biết ngạc nhiên, ví dụ khi nhìn “cảnh tượng hùng vĩ của các tinh tú, của mặt trời và thiên khung” con người còn ước muốn thám hiểm cả hoàn vũ. Từ đó phát sinh ra triết lý “như một tặng vật quý báu nhất thần minh dành cho con người!” Aristote cũng nói: “Chính sự ngạc nhiên thúc đẩy con người triết lý: thoạt tiên họ bỡ ngỡ trước những sự vật kỳ lạ họ bắt gặp, dần dà tiến xa hơn, họ đặt những câu hỏi về biến tượng của mặt trăng, về sự vận chuyển của mặt trời và các tinh tú, sau cùng là về sinh thành của vũ trụ”.

     Ngạc nhiên là đường dẫn tới tri thức vì ngạc nhiên là biết mình dốt. Và nhờ đó, thái độ hiểu biết ở đây rất thuần túy (biết để biết) “chứ không phải để cầu lợi”. Vì triết lý còn là sự phản tỉnh để thoát ly mọi ràng buộc với cuộc sống tầm thường hàng ngày. Phản tỉnh ấy xuất hiện là khi nhìn sự vật, trời đất vũ trụ với thái độ vô tư, ta tự hỏi: “Tất cả những cái đó có ý nghĩa gì không? Tại sao chúng có? Hỏi thế nhưng ta không cầu lợi, chỉ hỏi vì cần hỏi, thế thôi!”.

          2)Nhờ bỡ ngỡ và ngạc nhiên mà biết được một ít sự thật rồi, nhưng chưa biết chắc chắn thì còn phải hoài nghi. Quả thế, ta biết rất nhiều nhưng nếu kiểm thảo lại  ta sẽ thấy không có gì xác đáng cả ví dụ những tri giác đều bị giác quan chi phối nên chúng có thể lừa dối ta, vì thực sự chúng không phù hợp với những thực tại ngoại tại, những tri giác ta có về chúng. Cả đến những hình thức tư tưởng của chúng ta cũng chỉ là hình thức riêng của trí năng chúng ta. Chúng lại cấu kết với nhau thành những mâu thuẫn nan giải. Luôn luôn quyết lý này phản lập với quyết lý khác. Vì vậy nếu muốn triết lý, ta phải biết hoài nghi toàn diện nữa; hai là phải tìm ra được một căn bản đích xác tuyệt đối, bất kháng.  Như với Descartes:“Tôi suy tư, vậy tôi có” là một căn bản bất kháng, khi ông khám phá thấy rằng: Mọi cái khác đều đáng phải hoài nghi cả. Ông lý luận: Đối với những điều tôi biết nếu có hoàn toàn sai lầm đi nữa, nhưng sự kiện “tôi có” không tài nào và không bao giờ tôi lầm được, dầu có ai cố ý đánh lừa tôi.

     Tóm lại, hoài nghi có phương pháp như vậy lại đẻ ra óc biết phê bình những điều ta biết, thế nên nếu không hoài nghi triệt để, thì không bao giờ triết lý thực thụ được. Nhưng điều cần là phải biết hoài nghi giúp ta khám phá được căn bản bất kháng lúc nào và như thế nào?

     3)Trong khi tìm hiểu vạn vật ngoại tại và hoài nghi tất cả để khám phá ra một căn bản bất kháng, những lúc ấy, tôi còn bận bịu với ngoại tại, chưa suy tưởng đến bản thân tôi, tới cứu cánh, tới hạnh phúc và sự giải thoát của tôi. Trong những lúc đó tôi lại muốn quên bặt tôi đi, để hiểu biết những gì mới lạ.

     Nhưng khi nào tôi mới bắt đầu ý thức về tôi trong hoàn cảnh của tôi, thì mọi sự sẽ thay đổi.

     Epictète, một triết gia khắc kỷ đã nói: “Nguồn suối triết lý (có được) là nhờ khi ta thấy nhu nhược bất lực”.Vậy làm thế nào thoát ly được tình trạng bất lực đó? Nhà hiền triết ấy trả lời: “Tôi phải bỏ qua những gì tôi bất lực vì lẽ tất nhiên không làm nổi. Ngoài ra, tôi phải thực hiện cả nội dung, cả hình thái của chúng dưới ánh sáng minh bạch và tự do”. Vậy

 Thân phận con người, có phải là những hoàn cảnh giới hạn bất dịch?

Hãy chú ý tới số phận chúng ta, sẽ thấy ngay rằng nó bị giam hãm trong những hoàn cảnh cố định. Hết hoàn cảnh này lại đến cơ hội khác. Mỗi cơ hội để lỡ là một cơ hội không bao giờ trở lại. Tự tôi, tôi có thể dấn thân thay đổi một hoàn cảnh.

     Nhưng có những hoàn cảnh thiết yếu không thể thay đổi, tuy bên ngoài có vẻ thay đổi chút ít hay chúng  không phô trương hết tiềm lực của chúng. Đó là những hoàn cảnh giới-hạn bất-dịch như chết, đau khổ, chiến đấu, lệ thuộc những cảnh ngộ bất ngờ, lẫn quẩn trong xiềng xích của tội lỗi. Những hoàn cảnh nền tảng của cuộc đời ấy, ta gọi đó là những giới hạn  bất dịch, tức là những hoàn cảnh bất khả vượt và bất khả di dịch. Ý thức về chúng là khám phá ra được nguồn suối sâu thẳm nhất, khích lệ con người triết lý. Ý thức ấy có giá trị ngang hàng với ngạc nhiên và hoài nghi nói trên. Nhưng thường ngày, ít khi chúng ta nghĩ tới những giới hạn ấy. Chúng ta nhắm mắt sống không đếm xỉa gì tới chúng, tưởng rằng chúng ta không phải chết, chúng ta không tội lỗi và chúng ta không vật vờ trôi theo số mệnh. Rồi chỉ lo những chuyện trước mắt và nhằm mưu sinh, chúng ta mới trù tính công việc làm ăn mà thôi.

     Ngoài ra đối với những hoàn-cảnh giới-hạn bất dịch ta lại phản ứng một cách khác: hoặc ta lơ là chúng đi, hoặc không lơ là được mà phải nhìn mặt chúng thì ta thường đâm ra thất vọng rồi tự hồi phục, nghĩa là (nhờ ý thức về giới hạn bất-dịch) ta thay đổi quan niệm về hệ Hữu và do đó ta mới sống là chính ta.

-         Trần gian không có gì đáng tin cậy cả.

Có thể hiểu rõ thân phận con người hơn, nếu nhận thức được rằng: trần gian này không có gì đáng tin cậy cả. Khi ta không thắc mắc như trần gian này có lý do tự tại của nó rồi. Nên khi vui sướng, ta vui hết cỡ, không còn e dè chi nữa, chỉ biết hiện tại. Cả khi đau khổ, nhu nhược bất lực, ta lại chỉ biết thất vọng, nhưng khi giờ phút thất vọng qua đi, ta tự lãng quên rồi lại buông theo nhàn lạc.

Qua những biến cố trên, con người càng ngày càng thêm kinh nghiệm : bị đe dọa họ tìm thế đứng, họ chế ngự thiên nhiên, tổ chức cộng đồng để bảo vệ cuộc sống.

Chiến thắng thiên nhiên con người bắt thiên nhiên phục vụ mình với sự giúp đỡ của tri thức và kỹ thuật.

Tuy có chế ngự được thiên nhiên phần nào nhưng vẫn còn những bất ngờ có thể xảy ra. Mà bất ngờ còn thì nguy hiểm vẫn còn! Và nếu vậy con người vẫn thất bại trên mọi bình diện: Con người vẫn phải làm ăn lam lũ, già đi, bệnh tật và chết chóc. Những căn bệnh ấy không bao giờ diệt trừ hết được. Tuy chế ngự được thiên nhiên cũng đã đem lại phần nào bảo đảm nhưng thực ra mới giảm thiểu được một phần nghìn muôn vàn bấp bênh. Hơn nữa, để thu hẹp và chấm dứt mâu thuẫn giữa người với người, người ta tổ chức những cộng đồng để tương trợ cho nhau.

Tuy nhiên vẫn chưa hết bấp bênh: Vì công bình, tự do chỉ có thể có trong mỗi quốc gia là khi mỗi công dân biết cư xử với công dân khác, hợp với tinh thần chân thật tuyệt đối. Chỉ trong trường hợp ấy mọi người như một mới có thể cùng nhau đề phòng sự bất công có thể xảy đến cho mỗi người. Nhưng trong thực tế chưa bao giờ có như thế cả! Tinh thần đoàn kết có sức thu hút rất nhiều người chung quanh một nhân vật duy nhất giữa bao nhiêu đồng loại khác trong những giờ phút nghiêm trọng, thất vọng nhất, đã chỉ có thể có được trong những đoàn người rất hạn hẹp nơi một vài cá nhân lẻ tẻ. Không một chính phủ, không một giáo hội, không một tổ chức xã hội nào có thể là đảm bảo tuyệt đối cả. Mộng đẹp ấy chỉ có thể xảy ra ở thời bình khi không có gì trở ngại cả.

Sau cùng trong trần gian này, có lẻ còn xót lại được một ít bảo đảm đáng tin cậy, đáng tín nhiệm như: quê hương đất tổ, cha mẹ tổ tiên, anh em chị em, bạn hữu và người bạn trăm năm. Hơn nữa còn có cả một truyền thống dài dòng như tiếng mẹ đẻ, tín ngưỡng, những sáng tác của tư tưởng gia, của thi nhân và nghệ sĩ. Nhưng tất cả nền truyền thống ấy đều không đem lại một bảo đảm nào cả. Nên chúng cũng không đáng tin cậy. Vì thực ra chúng vẫn còn là những công trình của loài người chứ chưa thấy Thượng đế đâu cả. Nên truyền thống nào cũng vẫn còn làm ta thắc mắc nghĩa là trong khi hướng về truyền thống, con người còn phải tìm được ở chính mình sự bảo đảm, sự Hữu và nghị lực nơi chính mình. Tóm lại, hình như một bàn tay vô hình mà có uy tín luôn luôn chỉ thị cho ta rằng: Không được tin cậy và thỏa mãn với thực tại trần gian nào cả. Nghĩa là bàn tay ấy chỉ cho ta một cái gì khác ngoài trần gian này.

-         Cảm nghiệm thất bại và bắt đầu ý thức.

Những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch như chết bất ngờ, tội lỗi và không thể tin cậy thế gian, tất cả đều nói lên thất bại của tôi. Vậy trước sự thất bại tuyệt đối hiển nhiên, bất kháng ấy, tôi phải làm gì ?

-         Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicisme) khuyên nhủ con người hãy trở về sống theo tự do là tự do tư tưởng. Nhưng tự do tư tưởng cũng không đủ, triết lý khắc kỷ đã lầm. Họ đã không nhìn thấy bất lực tận căn của con người. Họ không nhận thấy rằng tư tưởng còn lệ thuộc, vì tự nó tư tưởng không có nội dung, phải căn cứ vào một cái gì khác nó. Chủ nghĩa khắc kỷ cũng đã không thấy rằng: Con người tư tưởng lắm khi còn có thể ra điên !

     Nếu vậy chủ nghĩa khắc kỷ đẩy ta vào thế cô đơn : Tư do tư tưởng mà vô căn cứ. Ở đây mọi hi vọng đều tiêu tan hết, vì con người không còn thể tự ý cố gắng chiến thắng được chính mình, không còn thể tự mình hoàn toàn hi sinh vì mình bằng một tình yêu tha thiết và sau cùng không thể chờ đợi và hi vọng gì khác nữa.

     Nhưng ước vọng của chủ nghĩa khắc kỷ phải là triết lý một cách chính đáng, nghĩa là con người phải tự mình cảm nghiệm được những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch, nhờ đấy họ mới được thúc bách để đi tìm sự hữu trong những thất bại của họ. Vì kinh nghiệm rằng mình thất bại là một khuyết điểm quyết liệt cho mỗi con người : tuy trong thực tế lắm khi con người không nhìn thấy thất bại và thất bại có thể tiêu diệt họ, nhưng con người vẫn có đủ khả năng nhìn thẳng mặt thất bại, thấy nó luôn luôn hiện diện là một giới hạn thường xuyên mà đời mình thường vấp phải. Rồi, một là, bằng nhiều giải pháp, bằng những trấn an tưởng tượng, họ phản kháng lại thất bại;  hai là ngược lại , họ thẳng thắn đón nhận thất bại và giữ im lặng đối với những thất bại  như đối với một cái gì huyền bí không giải nghĩa nỗi. Tóm lại, tương lai của con người tùy thuộc thái độ họ đối với thất bại.

     Thực vậy, khi chạm trán với những hoàn cảnh giới hạn bất dịch, một là con người bắt gặp hư vô, hai  là bên trên cuộc đời phù vân còn linh cảm một sự Hữu trường tồn thực sự. Nên sự thất vọng (trước những thất bại) có thể xuất hiện ở đời này là chính biểu hiện rằng: Bên ngoài cuộc đời còn cái gì khác. Nói khác đi, ước vọng con người là muốn được giải thoát.

     Các tôn giáo thế giới hứa hẹn cống hiển một lý thuyết bảo đảm đích xác và do đó một giải thoát thực sự. Đường lối ấy bó buộc mỗi cá nhân phải tự hoán cải. Điều ấy triết lý không làm được. Nhưng đúng ra triết lý cũng nhằm siêu vượt trần gian. Nếu vậy có khác gì biện pháp giải thoát (do tôn giáo đề nghị) ?

-         Ba nguồn suối nguyên thủy và thông cảm.

Theo những điều nói từ đầu tới đây, ngạc nhiên, hoài nghi, ý thức thất bại là nguồn suốt phát sinh ra triết lý. Trong môi trường cảm thấy bị lung lạc, rồi họ mới cảm thấy cần đi tìm một hướng.

Nhờ sức thúc đẩy của ngạc nhiên, Platon, Aristote mới đi tìm yếu tính của sự Hữu.

Qua muôn vàn bất xác và khả nghi, Descartes mới tìm ra được một chính xác bất khả nghi.

Qua muôn ngàn đau khổ của cuộc đời, các triết gia khắc kỷ mới đi tìm sự bình an cho tâm hồn.

Tuy trong lịch sử nhân loại mỗi lần thể hiện dưới những biểu thị và ngôn ngữ khác nhau nhưng mỗi kinh nghiệm trên đều đích thực cả. Phải nhận thức được sự cần thiết của chúng trong lịch sử nhân loại ta mới đi sâu được tận nguồn của chúng và mới thấy chúng còn hiện diện trong ta.

Tóm lại, tất cả ba cố gắng triết lý nói trên, đều cùng chung một mục đích là tìm cho mình một căn bản vững chãi, tức là sự Hữu sâu thẳm và vĩnh cửu

Nhưng xét cho cùng thì có lẻ cả ba nguồn suối ấy không một cái nào là hoàn toàn nguyên thủy và bất khả thay thế hẳn được. Ví dụ như khi ngạc nhiên trước sự Hữu thì tinh thần ta có được nâng cao thật. Nhưng đáng tiếc là vì đó con người lại thường muốn thoát tục hay miệt mài với thứ Siêu hình mờ ảo! Rồi đến sự chân xác bất kháng, nó cũng chỉ có giá trị cho việc ta tìm hiểu Vũ trụ bằng những phương pháp khoa học thực nghiệm thôi. Sau cùng đến thái độ bất khuất của khắc kỷ cũng chỉ có một giá trị tương đối. Vì những giờ phút gặp tai họa  hay điêu đứng hoàn toàn, lòng quả cảm ấy cũng tỏ ra không đủ khả năng và sinh lực giải thoát được ta.

Tóm lại, ngạc nhiên để đạt tới hiểu biết, hoài nghi để đạt tới đích xác và tình trạng cảm nghiệm thấy mình sa đọa để được giải thoát cả ba nguồn suối ấy vẫn chưa nêu được lí do thúc đẩy ta triết lý ở thời đại ngày nay. Vì thời đại chúng ta là thời đại dòng lịch sử đang liên tục bị cắt đứt. Hơn nữa, thời này là thời biến động chưa từng thấy, thời đại đầy bấp bênh, u uẩn không thể dự đoán. Tuy cả ba động cơ phát sinh triết lý vừa nói trên đều có giá trị cả, nhưng vẫn không đủ. Chúng còn lệ thuộc  vào một điều kiện khác là sự Thông cảm giữa người với người.

Thực vậy, trong lịch sử tự ngàn xưa giữa người với người đã có những phút giây liên hệ mật thiết như những đoàn thể người trong đó mỗi người có thể tín nhiệm lẫn nhau hay như những thể chế hay như tinh thần cộng đồng. Một con người sống lẻ loi mấy vẫn cảm thấy được đoàn thể nâng đỡ. Nhưng ngày nay, sự liên đới đó đã suy giảm hẳn vì càng ngày người ta càng không hiểu nhau, không tin tưởng nhau nữa. Họ gặp nhau, rồi lạnh lùng chia tay, như thế, làm gì còn thành tín, còn cộng đồng nào vững chãi và đáng tín nhiệm nữa ?

Nhưng mặc dầu thế, ngày nay cũng như ngàn xưa, sự liên hệ giữa người với người vẫn là một sự cần thiết quyết liệt: Tôi muốn thành thực tìm hiểu người khác nhưng không thể, vì tín ngưỡng của tôi lại đụng chạm với một tín ngưỡng khác, đang khi tôi tin chắc rằng chỉ có chân lý của tôi là tuyệt đối đúng. Đến nỗi, lắm khi cùng đường, chúng ta bắt buộc phải đấu tranh mà không bao giờ có hi vọng hay hòa giải. Lúc ấy, một là phải đầu hàng, hai là bị tiêu diệt. Nhưng những người ủy mị, thụ động, không có lập trường dễ hoà giải nhau mà hoà giải trong mù quáng hay hòa giải trong cố chấp thách đố nhau.

Nhưng điều đó không phải không đáng kể hay không quan hệ. Có thể chúng không quan hệ nếu sống cô lập. Mỗi khi đau khổ vì không thông cảm được với người khác hay mỗi khi vui sướng, thỏa mãn vì thành thật thông cảm được, cả hai trường hợp ấy đều không có ý nghĩa gì trên bình diện triết lý nếu tôi chỉ bo bo vào quyền lợi của tôi và sống cô lập, khư khư tin ở chân lý của tôi. Tại sao thế? Vì “tôi chỉ sống khi sống với người khác. Một mình tôi không là gì cả!”

Nếu thông cảm không phải thông cảm bằng lý trí với lý trí hay bằng tinh thần với tinh thần, hiện sinh với hiện sinh thì với sự thông cảm này, những ý nghĩa và giá trị do những sự vật vô linh đem lại chỉ được coi là những trung gian. Ở đây, cả thái độ biện hộ cho nhau, cả thái độ tấn công nhau đều không phải để chinh phục, chiến thắng nhau mà để gần gũi nhau.

Tóm lại, ở đây đấu tranh là đấu tranh trong tình huynh đệ. Nhưng vừa tranh đấu vừa thỏa thuận  trao đổi khí giới cho nhau. Chỉ trong thông cảm như thể mới chắc chắn sống thật sự, vì ở đây con người tự do sống bên cạnh con người tự do, đối lập mà không hầm hừ nhau, vì đã hoà hợp với nhau rồi. Như vậy những mối dây liên hệ với người khác chỉ còn là những con đường để gần gũi nhau trong những giây phút quyết liệt và cả hai đều đòi hỏi bên kia  phải nêu những thắc mắc cốt tử. Chính trong thông cảm, mọi chân lý khác mới được thể hiện và ở đây tôi mới thực sự là tôi, vì tôi không còn sống hời hợt mà sống trọn ý nghĩa cuộc đời. Bởi Thượng đế chỉ thể hiện ra một cách gián tiếp và cũng qua tình yêu giữa người với người. Sự đích xác cố nhiên có tính cách đặc thù và tương đối nên phải được ghép vào toàn cuộc.

Tóm lại, thái độ nền tảng trên đây, tôi đã trình bày theo ngôn ngữ lý thuyết nhưng nó đã bắt rễ khi con người cảm thấy khổ tâm vì không thông cảm được với người khác, và khi họ cảm thấy cần phải thông cảm, sau cùng khi họ nghiệm thấy rằng có thể có được một tranh đấu huynh đệ giữa người với người để liên kết họ lại với nhau ở tận tâm can. Triết lý này cũng do ba nguồn suối nói trên mà xuất phát. Cả ba nguồn suối ấy chỉ có nghĩa khi thể hiện thái độ của chúng đối với việc thông cảm: Hoặc là chúng khích lệ hoặc là chúng cản trở thông cảm.

Tóm lại, triết lý bắt nguồn tự khả năng ngạc nhiên, biết hoài nghi, biết cảm nghiệm những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch, nhưng sau cùng bao hàm được tất cả , phải kể đến ước vọng thông cảm thực sự. Điều đó đã thấy rõ ban đầu, vì triết lý muốn được phổ biến, diễn tả ra, để ai ai cũng nghe và hiểu được. Vì bản chất triết lý là phải được truyền bá ra cho người khác. Đặc điểm ấy phải gắn liền với sự thật của nó. Nhờ thông cảm, mục đích của triết lý mới đạt được vì phát khởi ở đây, mọi chủ đích khác mới có thể thực hiện được ví như:  Tìm hiểu sự hữu, soi sáng tình yêu, gặp được sự an tĩnh hoàn bị…

  BAO DUNG THỂ

 Tình trạng phân ly chủ thế và khách thể.

Xin khai triển một tư tưởng khó hiểu nhất, nhưng không thể bỏ qua được vì chính nó mới đem lại cho phản tỉnh triết học một ý nghĩa chân thật. Chúng ta có thể hiểu tư tưởng ấy một cách đơn giản, nhưng suy diễn nó là một công việc rất phức tạp. Vậy tôi sẽ thử phác hoạ tư tưởng ấy như sau: Vấn đề đầu tiên của Triết học là vấn đề: Sự hữu nói chung là gì? Thoạt tiên ta nhận thấy muôn vàn sự vật: Những sự vật trong thế giới hữu hình, những hình ảnh vô tri, những sinh vật sống động, cả một thế giới gồm những gì hiện ra rồi biến mất.

Còn Sự hữu theo tính cách hữu thực sự là gì? (Nghĩa là sự hữu nguồn suối phát sinh, tạo dựng vạn sự hữu khác và mọi sự điều lệ thuộc vào nó. Sự hữu ấy là gì?)

          Trước vấn đề này, các triết gia đã nêu nhiều giải đáp khác nhau, câu trả lời cổ nhất là câu của nhà hiền triết Thalès : Tất cả là nước, tất cả đều do nước. Về sau người ta lại chủ trương: Tất cả là lửa hay không khí, hay là cái bất định, vật chất hay nguyên tử. Hoặc người ta còn cho rằng sinh lực là bản thể đầu tiên, còn vật vô tri là cái được tạo ra từ sinh lực. Hoặc còn như thế này: Bản thể đầu tiên chính là tinh thần và vạn sự hữu khác là những ảo ảnh, những biểu tượng đặc biệt nó đã tạo ra trong một chiêm bao. Đó là một chuổi dài gồm toàn những quan niệm tổng quát được gọi là chủ nghĩa Duy vật (Tất cả là vật chất và là quá trình cơ giới) hoặc là chủ nghĩa Duy linh (Tất cả là tinh thần) hoặc là Vật hoạt thuyết  (Vũ trụ toàn diện là vật chất bên trong có một linh hồn) v.v…

          Tóm lại, để trả lời câu hỏi: Sự hữu theo tính cách hữu là gì? Thực sự, mỗi thuyết trên đều đã chọn lấy một sự đặc thù nào đó hiện có trong trần gian, rồi coi nó là nguồn suối cho vạn sự hữu khác.

          Vậy đâu là câu trả lời xác đáng ?

          Trong cuộc tranh luận dài hàng ngàn năm không một học thuyết nào biện chứng được rằng: Chủ trương của mình giá trị hơn chủ trương khác. Mỗi chủ trương đều chứa đựng một phần chân lý hay đúng hơn họ đã chỉ nêu ra được một quan niệm, một phương pháp sưu tầm dạy cách nhìn vũ trụ một cách sáng sủa hơn. Ngoài ra nếu học thuyết nào tự coi mình là độc nhất, rồi giải thích vạn sự hữu bằng quan niệm căn bản mình tạo ra thì họ đã lầm.

          Vậy lầm ở chỗ nào ? Tất cả họ đã lầm ở điểm này là họ đã biến sự hữu thành một hữu đối diện với chủ đề là tôi. Đó là một hiện tượng căn bản trong đời sống tri thức của ta. Nhưng vì nó thường xảy ra quá thành ra ta không còn thắc mắc, nghi vấn gì vể nó nữa. Nghĩa là những gì chúng ta suy  tưởng tới hay bàn luận tới toàn là những gì khác biệt với ta. Chúng là những gì ta hướng nhìn như một đối tượng khách thể đặt trước mặt chúng ta và coi chúng ta là chủ thể. Cả khi tôi suy tư về tôi, tôi cũng tự xem như tôi là khách thể, tức là tôi ở trên một cái gì khác tôi.

          Đồng thời (đối diện khách thể có bên chủ thể), tôi hiện hữu với tư cách tôi là tôi suy tư, tôi thực hiện tư tưởng đó bằng chính tôi, nhưng cái tôi ấy, tôi không thể quan niệm nó giống hệt như một đối tượng, bởi vì cái tôi đó là một điều kiện tiên quyết cho hoạt động khách thể hóa. Đó là một đặc điểm nền tảng trong đời sống tư tưởng, thường được gọi là sự phân ly chủ thể và khách thể.

          Chỉ lưu tâm và chú ý đôi chút, cũng thấy được rằng luôn luôn ta tư tưởng theo sự phân ly ấy. Vì dù có đảo lộn ngược xuôi lối tư tưởng của ta bao nhiêu, tư tưởng ấy vẫn không sao thoát được sự phân ly hướng về khách thể nói trên. Cho dẫu khách thể ấy là gì đi nữa: Hoặc là hữu do giác quan ta tri thức hay một biểu niệm trí năng như các con số và đồ hình có khi lại là hữu không tưởng hay một quan niệm hoàn toàn tưởng tượng không bao giờ có thể có.

          Những khách thể hiện diện trong ý thức của ta đều nằm đối diện trước mặt ta, hoặc ở trong hoặc ở ngoài, như Schopenhauer đã nói: Không một khách thể nào lại không có chủ thể cũng như không một chủ thể nào lại không có khách thể.

          Mối khi hé nhìn vào sự phân ly chủ thể khách thể kia, ta thấy biểu hiện một ý nghĩa huyền bí: Vậy ý nghĩa ấy là gì?

          Thưa chính là sự hữu toàn diện. Nhưng sự hữu toàn diện này không phải đối tượng khách thể, cũng như không phải bản ngả chủ thể, mà phải là Bao Dung thể hiện diện trong sự phân ly nói trên.

Sự hữu toàn diện không thể là đối tượng khách thể thuần túy. Vì bất cứ những gì là đối tượng của tôi, thì cũng phải từ Bao dung thể mà đến. Đàng khác, chính tôi là chủ thể cũng phải từ bao dung thể mới xuất hiện  là chủ thể được. Vì đối tượng khách thể lại chính là một sự hữu được thiết định cho một chủ thể. Nhưng Bao dung thể vẫn không xuất hiện rõ rệt hẳn ra với ý thức. Nó chỉ bừng sáng lên được là do những đối tượng khách thể và nó càng sáng thêm khi những đối tượng khách thể ấy hiện diện rõ rệt trước ý thức.

          Tóm lại, chính Bao dung thể không bao giờ trở thành khách thể mà nó chỉ xuất hiện trong sự phân ly chủ thể khách thể. Bên Bao dung thể vẫn là một hậu trường tiềm ẩn. Hậu trường ấy chỉ luôn luôn được lóe sáng qua sự biểu lộ của các khách thể. Nhưng mỗi khi được quan niệm và định nghĩa như vậy, mỗi đối tượng khách thể khác ví dụ ngay khi quan niệm sự hữu tổng quát nào bất cứ, nó cũng phải được  quan niệm đối lập với hư vô là một đối tượng khác nó.

          Như vậy, bất cứ sự vật gì, bất cứ nội dung  tư tưởng nào hay bất cứ khách thể nào đều trải qua hai lần phân ly: Một lần phân ly với chủ thể suy tư, một lần phân ly với các khách thể khác. Vì nếu đã là đối tượng cho tư tưởng, không bao giờ chúng có thể là một toàn diện hay một sự hữu toàn diện, hay cả đến một sự hữu suông nữa. Vì một khi bị tư tưởng coi là đối tượng thì bất cứ sự hữu nào cũng đứng ra ngoài Bao dung thể cả. Vì đối tượng đặc thù và như thế nó vừa đối lập với chủ thể, vừa đối lập với các lớp đối tượng khác.

          Tóm lại, qua những đối tượng do tư tưởng quan niệm và thiết định ra, Bao dung thể chỉ xuất hiện như một ký hiệu, chứ không bao giờ ta gặp tận mặt Bao dung thể. Nhưng tất cả những gì chúng ta gặp, chúng ta đều gặp chúng trong bao dung thể cả.

-         Ý thức về Bao dung thể và tầm quan trọng của nó.

Nhận thức về Bao dung thể như trên có nghĩa gì? Theo phương pháp thông thường trong việc giao tiếp với sự vật thì nhận thức trên có vẻ phản tự nhiên nên cứ dựa trên những tiêu chuẩn thực tiễn (tức là tìm khách quan), trí óc ta sẽ chống đối lại nhận thức trên. Như thế nhờ vào tác động nền tảng của Bao dung thể, tư tưởng có thể vượt qua mọi nội dung tư tưởng. Việc ấy xem ra không khó, nhưng lại rất kỳ dị! Vì tác động ấy không giúp ta nhận thức được một đối tượng mới nào như một cái gì rõ rệt ra. Trái lại, tác động ấy chỉ vận dụng tới sự phản tỉnh là để biến đổi ý thức của ta đối với ta thôi.

Nó không phổ biến trước mặt ta một khách thể mới nào và vì vậy theo ý nghĩa thông thường của tri thức tự nhiên, nó là một thể gì thiếu nội dung. Nhưng với hình thức của nó, tác động ấy mở ra những khả năng vô hạn trong đó sự Hữu tự biểu lộ ra với chúng ta. Và đồng thời nó biến mọi khả thể trên thành hữu thể minh bạch. Nó biến đổi chính ý nghĩa của khách thể tính. Vì nó lay tỉnh ý thức ta để ta có khả năng nhận thức được giữa những hiện tượng ảo ảnh đâu là sự Hữu đích thực.

-         Những hình thái Bao dung thể.

Chúng ta hãy minh giải thêm về bao dung thể. Bàn luận trực tiếp về Bao dung thể:

     Bàn luận trực tiếp về Bao dung thể là đi trực tiếp vào sự Hữu. Nhưng không thể, vì ta chỉ có thể bàn luận về Bao dung thể một cách gián tiếp. Vì bao giờ tư tưởng ta cũng phải tư tưởng bằng đối tượng. Nhưng nếu Bao dung thể là một tư tưởng không khách quan, làm sao ta phải có sự diễn tả nó một cách khách quan? Ví dụ về sự phân ly chủ thể khách thể ta khai triển trên. Luôn luôn ở trong sự ly khai đó, chúng ta không thể thấy nó tự bên ngoài. Tuy nhiên lúc đó gọi tên nó, ta xem nó như một khách thể, nhưng chỉ gọi tạm khách thể vậy thôi.  Vì sự phân ly chỉ có trong liên quan giữa những sự vật trong trần thế, xuất hiện ra với tôi như những đối tượng khách thể. Những liên quan ấy trở thành một hình ảnh dùng để diễn tả cái không thể trông thấy, cái gì không phải là đối tượng.

     Vậy ta hãy gợi lên trong ta những gì hiện hữu trong nguồn suối của ta, để suy niệm những hình thái Bao dung thể: Sự phân ly của chủ thể khách thể hiện ra với chúng ta theo nhiều cách thái, tùy theo tôi là trí năng đứng trước những thực tại khách quan, hay như một sinh vật phấn đấu với hoàn cảnh, hay như một hiện sinh hướng về Thượng đế.

-         Là trí năng, chúng ta đứng trước những sự vật hiển nhiên, chúng ta cố gắng tri thức chúng một cách chân xác, bất khả nghi. Vì thế tri thức đó bao giờ cũng nhằm những đối tượng rõ rệt.

-         Còn nếu là những sinh vật phấn đấu với hoàn cảnh, chúng ta lại lệ thuộc những sự vật ta tri giác. Đối tượng tri giác ấy sẽ thực hữu, nếu ta sống nó bằng kinh nghiệm bản thân của ta. Và thực tại ấy không thể bị giản lược vào một nhận thức tổng quát nào cả.

Còn như Hiện sinh, chúng ta lại liên quan với Thiên chúa hay Thượng đế, Đấng siêu việt, và được thể là nhờ tiếng nói do các sự vật đã trở thành tượng số hay biểu trưng. Vì với trí năng hay với cảm giác của ta, ý nghĩa tượng số trên không có nội dung khách quan nào cả.

-         Thượng đế chỉ thực hữu khách quan đối với chúng ta khi chúng ta là Hiện sinh. Vì hiện hữu của Ngài thuộc những viễn tượng khác biệt hẳn với những đối tượng vật chất thuộc trí năng hay cảm giác.

       Như vậy một khi tìm cách thấu hiểu Bao dung thể, chúng ta thấy nó phân chia ra thành nhiều hình thái khác nhau, vì con người có thể bị Bao dung thể chi phối bằng nhiều cách.

       Căn cứ vào thể thức phân ly chủ thể khách thể như sợi dây chuyền, chúng ta có thể phân Bao dung thể theo mấy hình thái sau đây:

i.                   Là Trí năng tức ý thức phổ quát ai ai trong chúng ta cũng đều giống nhau cả.

ii.                 Là chủ thể sinh tồn, mỗi người chúng ta đã thành một cá tính đặc thù.

iii.              Là Hiện sinh, mỗi người mới thực sự hiện hữu là mình trong sử tính riêng tư của mình.

          Đến đây tôi thú nhận không thể trình bày ý niệm ấy vắn tắt hơn nữa, chỉ xin tóm lược như sau: được quan niệm chính là sự Hữu, Bao dung thể mang tên là Siêu việt thể (Thiên chúa, thượng đế) hay vũ trụ. Còn khi được quan niệm theo sự hữu của chúng ta thì Bao dung thể mang lại tên là Chủ thể sinh tồn, Ý thức phổ quát và Tinh thần.

-         Ý nghĩa của huyền niệm.

Đường lối triết lý theo Bao dung thể vừa trình bày là một đường lối căn bản. Nhờ đó, ta mới biết bỏ được những lối tư tưởng bằng đối tượng khách quan ấy như chính sự Hữu.

Và cũng nhờ lối triết lý theo Bao dung thể, bây giờ ta mới hiểu được ý nghĩa của Huyền niệm. Từ ngàn xưa, ở Trung hoa, Ấn độ và ở Tây phương biết bao triết gia đã phát biểu một số quan niệm tương tự nhau khắp nơi và trong mọi thời gian, tuy cách diễn tả có khác nhau. Họ nói: Con người có khả năng vượt lên sự phân ly chủ thể và khách thể để tiến tới trình độ đồng hóa hai bên với nhau. Như thế, khách thể cũng bị tiêu diệt và cả chủ thể cũng bị mất hút. Lúc ấy là lúc sự Hữu tuyệt đối mới xuất hiện trong con người.  Rồi khi con người thức tỉnh, sự Hữu đó còn ghi lại trong ý thức họ vết tích một ý nghĩa gì sâu thẳm và bất tận vượt trên mọi ý nghĩa khác. Những ai đã trải qua kinh nghiệm đó, sự đồng nhất chủ thể khách thể kia chính là sự thức tỉnh. Còn nếu cứ ngồi lỳ ở tình trạng phân ly thì phải gọi là một giấc ngủ mê man.

Chính Plotin một triết gia thần bí danh tiếng nhất của Tây phương đã mô tả kinh nghiệm ấy như sau: “Đôi khi thoát được thể xác ngái ngủ và thức tỉnh lại trong bản ngã, tôi được thấy lóe sáng một vẻ đẹp phi thường. Chính những lúc ấy tôi mới tin chắc được rằng: Tôi sống ở một thế giới tốt đẹp và cao cả hơn. Rồi tôi còn thấy trào vọt lên trong tôi một sức mạnh mẻ tột bực, vô cùng huy hoàng. Những lúc ấy tôi cảm thấy như đã được đồng hóa với Thượng đế rồi”.

Như thế, không còn ai ngờ vực được rằng: Không thể có kinh nghiệm Huyền niệm và cũng không thể ngờ vực sự kiện sau đây nữa là (sau khi trải qua những kinh nghiệm Huyền niệm như vậy rồi) có dùng ngôn ngữ nào đi nữa, nhà Huyền niệm cũng không bao giờ diễn tả nỗi những điều đã chiêm nghiệm. Vì những bí nhiệm ấy không thể mô tả được. Ở đây, nhà Huyền niệm như bị chết ngộp trong Bao dung thể. Vì những gì diễn tả ra được đều bị kẹt trong phân ly chủ thể khách thể. Nên dầu ý thức con người thông thường còn muốn minh giải đến mức nào đi nữa, cũng không bao giờ bắt gặp được nguồn suối vô tận ấy. Nhưng khổ nỗi! khi muốn diễn tả, ta chỉ diễn tả được những gì có tính cách đối tượng khách quan mà thôi. Ngoài ra những gì không thành khách thể lại không thể diễn tả. Đó là những gì không thành khách thể lại không thể diễn tả. Đó là những gì còn xót lại (bất khả diễn tả). Nhưng chính chúng lại nằm ẩn đàng sau mọi tư tưởng triết lý mà ta gọi là Siêu hình. Chính chúng còn đem lại cho những tư tưởng triết lý Siêu hình trên uy lực và ý nghĩa của chúng nữa.

-         Siêu hình, một thú bản viết bằng Tượng số.

Hơn nữa, đường lối triết lý theo bao dung thể còn giúp chúng ta hiểu rành mạch hơn được những Hữu thể học và Siêu hình học cổ kính tự ngàn xưa, như Siêu hình học về lửa, vật chất, tinh thần, biến hành toàn diện… Thường thường những vị sáng nghĩ ra các Siêu hình học đều coi chúng như những lý thuyết có thể mạng lại những tri thức khách quan. Nhưng  xét theo khía cạnh khách quan thì hoàn toàn sai. Trái lại, phải biết rằng: Những Siêu hình ấy mang một ý nghĩa khác, nghĩa là chúng chỉ là những Tượng số để diễn tả sự Hữu. Vì vậy, một khi đã dùng Tượng số trước mặt Bao dung thể để soi sáng sự hữu của mình và sự Hữu tự tại rồi, triết gia đừng lầm  mà coi nó là một thực tại khách quan nào có thể đồng thời đóng vai sự Hữu tự tại nữa.

          Nhờ khi tưởng tượng, ta hoạt động giữa những hiện tượng trần gian  này, mới ý thức được rằng : Sự Hữu tự tại không thể  bắt gặp được trong sự Hữu khách quan, vì sự tự tại không thể bắt gặp được trong những khuôn khổ của vũ trụ vì những khuôn khổ ấy nhỏ bé, mặc dầu chúng có bao hàm tất cả vạn vật. Trái lại, sự Hữu tự tại chỉ bắt gặp được trong Bao dung thể, bên kia mọi khách thể và mọi khuôn khổ; bên kia mọi  phân ly chủ thể và khách thể.

          Tóm lại, khi nào đã thông thạo được đường lối triết lý theo Bao dung thể rồi, chúng ta sẽ thấy những Siêu hình trên sụp đổ. Cùng với  chúng cũng sẽ sụp đổ những nguyên lý nào tự phụ mang lại được một tri thức về Hữu, trong khi đề cao và quan trọng hóa những sự Hữu đặc thù.

          Nhưng dầu sao, những học thuyết ấy vẫn là những ngôn ngữ đặc biệt khả dĩ giúp ta vượt mọi sự hữu tầm thường như đối tượng và khuôn khổ chung, tức là vượt mọi hình thức bên ngoài để nhìn được thực tại. Thực vậy, ngoai trừ kinh nghiệm Huyền niệm, là kinh nghiệm  bất khả diễn tả, còn mỗi khi muốn đạt được mục đích nói trên (là vượt mọi hình thức khách thể để nhìn sự Hữu tự tại), ta không được ly khai với cuộc đời. Trái lại, phải ở trong trần gian, tức là phải sử dụng lối biết  khách quan vì chỉ ở đó, ý thức chúng ta mới sáng sủa. Vì chỉ chính ở đó, ý thức chúng ta mới cảm nghiệm được những giới hạn của mình và những gì qua kinh nghiệm ấy mới xuất hiện ra với ý thức. Do đó, ý thức mới bắt gặp được thực chất của mình. Tuy nhờ tư tưởng, ta vượt qua được mọi khách thể rồi, nhưng ta vẫn còn lệ thuộc những điều kiện khách thể tính. Cả khi ta nhìn thấu được ngoại cảnh (khách quan) rồi, ta vẫn còn bị ràng buộc trong đó.

          Tuy nhờ Siêu hình học ta nhận thức được hình thái Bao dung thể, Siêu việt và giải thích nó như một văn tự tượng số, nhưng ta sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa của nó, nếu ta chỉ ưa thích những lập luận lý thuyết suông mà không dám dấn thân thí nghiệm. Với ta, Siêu hình học chỉ có đầy đủ ý nghĩa là khi nó giúp ta nhận thức được sự Hữu qua Tượng số; những điều đó chỉ có thể là khi nào ta cảm nghiệm sự Hữu đó bằng Hiện sinh của ta, chứ không phải bằng trí năng vì trí năng không nhận thức được điều đó.

          Nếu vậy, lại càng không được phép coi Tượng số (tượng trưng) của sự Hữu như một đồ vật khách quan sờ sờ trước mắt, đụng chạm tới hay tiêu biến đi được. Vì nếu lấy khách thể làm sự Hữu là sa vào chủ nghĩa Võ đoán. Tóm lại, mê lầm trong khách thể là dị đoan. Trái lại niềm tin thực thụ phải bám rễ trong Bao dung thể.

-         Tính cách gẫy khúc trong tư tưởng Triết học.

Sau cùng, đường lối triết lý theo Bao dung thể còn dẫn đến một hệ quả cuối cùng sau đây là nhờ nó chúng, ta ý thức được rằng: Suy tư triết học là con đường gẫy khúc không sửa thẳng được nữa.

          Mỗi khi ta tư tưởng bao dung thể để có thể giải thích nó bằng từ ngữ triết học thì mỗi lần ta như bó buộc phải nghĩ ra một khách thể tính cho Bao dung thể. Nhưng Bao dung thể không bao giờ khách quan hóa được. Vì vậy phải thận trọng, phải loại bỏ mọi nội dung khách quan trong các công thức chúng ta sử dụng. Chỉ với điều kiện ấy chúng ta mới có được kinh nghiệm về Bao dung thể, vì Bao dung thể không bao giờ là kết quả do cuộc khảo cứu khách quan cả. Trái lại, nó chỉ là một thái độ ý thức. Vì ở đâu kiến thức khách quan không biến đổi, chỉ duy có ý thức tôi tự có về tôi là biến đổi.

          Nhưng chính đó lại là nét căn bản cho mọi suy tư triết lý thực sự. Chỉ nhờ ở những tư tưởng có đối tượng chân xác, con người mới hy vọng vươn mình tới Bao dung thể được. Nhờ đà tiến ấy, ý thức ta mới nhận ra được căn bản vững chãi, chỗ bản ngã ta bám rễ trong sự Hữu tự tại. Do đó sẽ phát triển ra được những ý nghĩa cho cuộc đời và hành động của ta. Nó giải thoát ta khỏi những sợi dây ràng buộc với khách quan, nhưng không phải để từ bỏ tư tưởng khách quan, mà là để thúc đẩy nó tiến tới kỳ cùng.

          Tóm lại, một suy tư triết lý có tổng quát trừu tượng tới đâu sau cùng cũng phải được thực hiện trong thực tại cụ thể của ta.

          Không những phải thể hiện trong sự phân ly chủ thể khách thể, sự Hữu tự tại còn phải hiện diện trong tâm hồn ta nữa, nếu nó muốn thực hữu đối với ta. Vì vậy ta cần phải sáng suốt! Nghĩa là những gì còn u uẩn phải được lý hội theo một hình thức khách quan và căn cứ vào yếu tính của bản ngã đang hoàn thành. Sự hữu tự tại, căn bản phổ biến, tuyệt đối thể, phải hiện ra khách quan trước mắt ta, dầu dưới một hình thức bất toàn theo tư cách là khách thể. Nhưng hình thức khách quan bất toàn ấy phải tự tiêu diệt đi, và trong khi tiêu diệt phải để trong ta ánh sáng huy hoàng của Bao dung thê.

- Tình trạng Hư vô và phục sinh.

          Tóm lại, nhờ ý thức về tình trạng phân ly chủ thể khách thể như điều kiện căn bản cho tư tưởng và do đó nhờ ý thức về Bao dung thể qua sự phân ly nói trên, chúng ta mới thực sự tự do triết lý.

          Vì đường lối suy tư trên mới gỡ ta thoát khỏi mọi hình ảnh đặc thù. Nó bó buộc chúng ta không còn được đi vào những con đường bế tắc mà tri thức khách quan cố định muốn giảm giữa chúng ta. Nói tóm lại, đường lối suy tư ấy hoán cải toàn diện con người ta.

          Thấy thế, có người sẽ cho rằng: nếu đánh mất giá trị tuyệt đối của vạn vật và khách quan tính của tri thức là mất tất cả. Như thế là sa lầy vào tình trạng Hư vô. Nhưng, từ đây trở đi, những gì được thiết định và chứng minh rõ rệt bằng ngôn ngữ và biểu thị khách quan đều không thể tự hào có giá trị chân thực tuyệt đối nữa.

          Nhưng đường lối suy tư triết lý của ta phải đi qua con đường Hư vô ấy, và chính nó lại giải thoát ta vươn lên được sự Hữu thực sự. Vì nhờ cố gắng triết lý ta mới phục sinh được ta bản chất của ta. Nhờ đấy sẽ phát triển lên trong ta ý nghĩa và giá trị tương đối của mọi sự hữu hạn. Rồi ta mới biết chắc chắn rằng : những đường lối của ta bó buộc phải đi qua đó; nhưng chính ở đó, đồng thời cũng mở ra cho ta một ánh sáng sâu xa giúp chúng ta tự do xử sự với chúng.

 

 

 

 

 

 

 

( còn tiếp)

 

 

 

 

 

 

 

 
BẠN ĐANG XEM TRANG CHỦ Về triết học